Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng việc các nước giàu trên thế giới tích trữ vaccine, thậm chí số liều vaccine những nước này có gấp vài lần dân số, trong khi liên tục không thực hiện cam kết chia sẻ vaccine với các nước đang phát triển, là cách tiếp cận đem lại tác dụng ngược.
WHO cảnh báo hành động này có thể đang bắt đầu có tác động nghiêm trọng, cụ thể là việc xuất hiện biến thể Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn những biến thể trước đó.
Giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế, Jeremy Farrar, cho rằng sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine ngừa Covid-19 và các công cụ y tế công cộng khác.
Cùng ngày, WHO đánh giá biến thể mới Omicron có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ toàn cầu ở mức “rất cao”, có thể gây ra những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh. WHO đánh giá Omicron có số lượng gai đột biến nhiều chưa từng thấy, trong đó có những đột biến được cho là có thể tác động tới xu hướng đại dịch.
Ngoài ra, WHO cũng cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn khả năng Omicron “né” được khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm vaccine và sau khi nhiễm bệnh. Tổ chức này cho biết các dữ liệu chính xác hơn sẽ được công bố trong vài tuần tới.
Trong khi đó, nhà sản xuất vaccine Moderna (Mỹ) cho biết các chuyên gia của công ty này đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine chống biến thể Omicron. Theo đại diện lãnh đạo của Moderna, ông Burton, sẽ phải mất vài tuần để có hiểu biết đáng tin cậy về mức độ biến thể mới có thể vô hiệu hóa tác dụng của các loại vaccine hiện tại và liệu có cần phải bào chế vaccine mới hay không. Trong trường hợp cần thiết, vaccine mới có thể được sản xuất trên quy mô lớn vào đầu năm 2022.