Tăng cường quản lý giá các mặt hàng thiết yếu

Ngày 24-8, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi có văn bản chỉ đạo các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức về việc triển khai những biện pháp quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

Cụ thể, chỉ đạo Sở Tài chính thường xuyên theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, trong đó có mặt hàng gạo tại TPHCM để kịp thời tham mưu UBND TPHCM các biện pháp điều hành giá. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các sở ngành có liên quan tham mưu UBND TPHCM công tác quản lý giá đối với các mặt hàng gạo tham gia Chương trình bình ổn thị trường của thành phố.

Đối với Sở Công thương, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu mặt hàng gạo trên thị trường, phối hợp cung cấp thông tin, cùng với Sở Tài chính phân tích, dự báo thông tin thị trường; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình cung cầu mặt hàng gạo trên thị trường…

Về phía Cục Quản lý thị trường, theo dõi chặt chẽ tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho hàng…) nhằm kiểm soát nguồn hàng, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý…

Về phía các quận, huyện và TP Thủ Đức cần chủ động theo dõi diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin kịp thời cho Sở Tài chính, Sở Công thương nhằm xử lý các trường hợp biến động giá, mất cân đối cung cầu, cũng như giải pháp bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Riêng những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đối với mặt hàng gạo cần chủ động phương án nguồn hàng lúa, gạo nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm. Thêm nữa, doanh nghiệp cần chủ động đề xuất điều chỉnh giá bán các mặt hàng (thuộc diện bình ổn) phù hợp với biến động giá nguyên liệu đầu vào và giá thị trường; linh hoạt thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng…

Tin cùng chuyên mục