(SGGPO).- Cuối buổi sáng 29-10, Dự án Luật An toàn thông tin đã được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể.
Về tên luật và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tên gọi của dự luật được điều hỉnh thành “Luật An toàn thông tin mạng” để phù hợp hơn với nội dung dự thảo luật. Dự thảo luật không điều chỉnh về nội dung thông tin mà chỉ tập trung vào những vấn đề về an toàn cho thông tin được truyền đưa trên mạng, về kỹ thuật nhằm bảo đảm sự nguyên vẹn các nội dung thông tin trong quá trình truyền tải.
Cho ý kiến về dự án luật này, nội dung bảo vệ thông tin cá nhân đã được nhiều đại biểu quan tâm. Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tình trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam đã gây bức xúc dư luận từ nhiều năm nay. Nhằm góp phần hạn chế vấn nạn này, dự thảo luật đã bổ sung những quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng; bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của cơ quan nhà nước. Các quy định này không trùng lắp với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được quy định tại Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, việc không có quy định bảo vệ thông tin riêng quy định trong dự thảo luật được Ban Soạn thảo giải trình là “các nội dung liên quan đã được đề cập trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự” chưa thể làm cho đại biểu yên tâm.
“Việc xây dựng bảo vệ thông tin riêng là vấn đề rất khó về mặt công nghệ nhưng thực sự cần thiết trong đời sống ngày nay khi việc trao đổi, chia sẻ thông tin qua mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đa số mọi người. Đây không chỉ là vấn đề riêng của nước ta mà còn của nhiều nước trên thế giới”, bà Nguyễn Thanh Hải bình luận. Theo bà, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định bảo vệ thông tin riêng để dự án luật hoàn thiện và bao quát hơn.
Điều này cũng có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề bảo vệ thanh thiếu niên trước những tác động xấu, tiêu cực của Internet mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri quan tâm. Đã có rất nhiều vụ việc đau lòng như vụ nữ sinh quyên sinh sau khi những thông tin riêng tư bị phát tán trên mạng, bị cộng đồng mạng bình luận đầy ác ý ngay cả khi gia đình nữ sinh đã lên tiếng khẩn cầu.
“Cá nhân tôi tha thiết Ban Soạn thảo cân nhắc bổ sung các nội dung liên quan đến thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng và nội dung chương II của dự thảo luật. Cụ thể là các quy định liên quan tới các biện pháp cảnh báo người dùng, các biện pháp kỹ thuật, các ứng cứu khẩn cấp; bổ sung các quyền yêu cầu hủy bỏ sửa đổi ngừng cung cấp thông tin của người dùng đối với thông tin cá nhân hay tập thể khi có dấu hiệu bị xâm phạm”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Có cùng quan tâm đến an toàn thông tin cá nhân, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) phát biểu: “Tình trạng số điện thoại, danh tính cá nhân bị thu thập, rao bán công khai, từ đó rất nhiều cá nhân bị quấy rối, "dội bom quảng cáo" khá phổ biến. Trong khi đó, nhiều quy định tại dự thảo này có tính khả thi không cao, đơn cử yêu cầu hủy bỏ thông tin đã thu thập sau khi hết mục đích sử dụng và thông báo cho các cá nhân liên quan”. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang kiến nghị quy định việc tổ chức đột xuất thanh tra, xử lý; thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận, xử lý các phản ánh của cá nhân bị vi phạm an toàn thông tin...
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) bày tỏ quan ngại về hiệu quả “xử lý ngăn chặn phần mềm độc hại gây ảnh hưởng quốc gia”
Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) bày tỏ quan ngại về hiệu quả “xử lý ngăn chặn phần mềm độc hại gây ảnh hưởng quốc gia”. Đại biểu này cho rằng, trong trường hợp này thì không nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xử lý. “Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ nên được giao chủ trì xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin của các tổ chức, cá nhân mà thôi, trong trường hợp xuất hiện phần mềm độc hại gây ảnh hưởng quốc gia thì cần giao cho một đầu mối khác để đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả”, nữ đại biểu kiến nghị.
ANH PHƯƠNG