Ngày 1-3-2012, HĐND TPHCM khóa VIII đã tiến hành kỳ họp chuyên đề “An toàn giao thông năm 2012”. Nhân dịp này, bạn đọc Báo SGGP đã gửi nhiều ý kiến góp ý với chính quyền TPHCM các giải pháp, đặc biệt là kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đẩy mạnh chống tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
- Cần xử lý nghiêm khắc hơn
Tại TPHCM, đã diễn ra nhiều vụ thanh niên tụ tập hàng trăm người đua xe gắn máy ngay trên đường phố vào buổi tối, gây ra hàng loạt tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc cho chính những người tham gia đua xe trái phép và cả những người vô tội đang lưu thông trên đường. Công an đã nhiều lần ra quân trấn áp nhằm chấn chỉnh lại TTATGT, vây ráp bắt giữ nhiều người và phương tiện trực tiếp tham gia đua xe trái phép. Rất nhiều đối tượng tham gia và cổ vũ đua xe trái phép đã bị đưa về địa phương cư trú để cảnh cáo và làm kiểm điểm trước tổ dân phố. Nhiều trường hợp bị áp dụng các chế tài xử lý hành chính như phạt tiền, tạm giữ, tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép, tước giấy phép lái xe… nhưng vẫn không có hiệu quả, nạn đua xe vẫn tiếp diễn.
Hiện nay, mức phạt tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự cũng như các văn bản pháp luật hành chính còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm TTATGT.
Để dẹp triệt để nạn đua xe trái phép, cần phải xử lý mạnh tay hơn, kể cả việc xử lý hình sự những đối tượng vi phạm. Điều 206 Bộ luật Hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép đã quy định: “Người nào tổ chức trái phép việc đua ô tô, xe máy hoặc các loại xe có gắn động cơ thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Đối với tội đua xe trái phép, Điều 207 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào đua xe trái phép ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm”.
Quy định pháp luật đã có, do vậy các cơ quan bảo vệ pháp luật ở TPHCM cần phải kiên quyết xử lý đối với nạn đua xe trái phép.
Nguyễn Đước (Quận 5, TPHCM)
- Nghiêm khắc với hành vi lái xe say xỉn
Theo số liệu thống kê, có hơn 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu bia. Chỉ cần uống một lượng nhỏ chất có cồn cũng làm tăng khả năng gây tai nạn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, bởi không những làm giảm tầm nhìn, thời gian xử lý mà còn tác động đến việc phán đoán tình huống.
Luật Giao thông đường bộ quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia đối với lái ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe gắn máy. Nghị định 34/2010/NĐ-CP cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, cụ thể: phạt từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 0,4mg/lít khí thở; phạt từ 2-3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc 0,25-0,4mg/lít khí thở. Thế nhưng vi phạm này vẫn tồn tại và phổ biến. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất yếu kém, đặc biệt là chưa nhận thức đầy đủ về hiểm họa của việc lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Do vậy, để đảm bảo TTATGT cần tăng cường kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia, tạo thành ý thức: Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông.
Huỳnh Đắc Nhất (Quận 5, TPHCM)
- Chống tiêu cực, nâng cao năng lực cán bộ
Trong công tác đảm bảo TTATGT cần có sự phối hợp giữa nhiều ngành, nhiều địa phương, các thành phần xã hội. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, lực lượng CSGT có vai trò xung kích. Thế nhưng lâu nay có một thực tế đáng buồn là tuy tôn trọng lực lượng CSGT về sự đóng góp cho xã hội, nhưng bên cạnh đó, nhiều người dân cũng có tâm trạng vừa ghét vừa sợ đội ngũ này do đã có không ít CSGT có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, không làm tròn chức trách và phận sự. Vì vậy, phải khắc phục cho được vấn đề này. Có như vậy, hoạt động của lực lượng CSGT mới có hiệu quả, xây dựng được ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông trong toàn xã hội.
Để có thể làm tốt nhiệm vụ của mình, CSGT nên chốt chặn, tuần tra hợp lý, khoa học ở những khu vực, tuyến đường, nhất là ở nơi thường có phức tạp về TTATGT một cách thường xuyên hơn. Yếu tố khoa học thể hiện ở chỗ tránh chốt chặn quá dày (tốn nhân lực) hoặc quá thưa (khó kiểm soát), đồng thời phải có đủ phương tiện làm việc. Đặc biệt, phải tránh tình trạng “núp lùm”, “ẩn”, “làm việc ở quán cà phê”… Nên xử lý có lý có tình, theo hướng nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.
Cần nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ CSGT khi làm nhiệm vụ, giáo dục để mỗi CSGT làm nhiệm vụ hiểu rằng đang bảo vệ sự an toàn của người dân với trách nhiệm cao cả, chứ không phải là một cơ hội “kiếm chác”. Chú ý chống nhũng nhiễu, tiêu cực một cách quyết liệt và triệt để trong đội ngũ CSGT. Người cán bộ, chiến sĩ CSGT phải được rèn luyện tính nhạy bén, kịp thời để giải quyết sự cố, đồng thời phải có khả năng giao tiếp tốt với nhân dân, nhất là với người vi phạm, cần có thái độ lịch sự, đúng mực.
Trịnh Minh Giang (Thủ Đức, TPHCM)