Tăng cường tương tác với dân

Trong chiều hướng tăng cường tương tác, kết nối với người dân và doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn, thời gian qua Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến để thuận lợi hơn cho DN và người dân. 

Giúp ích cho người dân

Một trong những công cụ quan trọng giúp Sở GTVT tăng cường kết nối với người dân đó là Cổng thông tin giao thông TPHCM. Cổng thông tin này giữ vai trò cung cấp thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn đến người tham gia giao thông dưới 2 hình thức.

Một là theo trang web http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn và hình thức còn lại là theo ứng dụng thông tin giao thông trên thiết bị di động, trên ứng dụng Zalo và thực hiện tính năng tiện ích chatbot trên Zalo cổng thông tin giao thông.

Khi truy cập vào các địa chỉ trên, người dân có thể biết được nhiều thông tin thiết thực như: thông tin tốc độ giao thông trên đường; thông tin cảnh báo tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ngập nước; thông tin điều chỉnh giao thông trên địa bàn thành phố; thông tin về các công trình có rào chắn, công trình đang thi công trên đường bộ.

Cổng thông tin giao thông còn cung cấp thêm các thông tin như vị trí các bãi đậu xe trong các tòa nhà hoặc các trung tâm thương mại, vị trí các nhà vệ sinh công cộng, các trạm xăng, trạm y tế, bệnh viện…

Từ các thông tin này, người dân có thể chủ động lựa chọn lộ trình lưu thông hợp lý, tránh đi qua các khu vực đang xảy ra sự cố hoặc ùn tắc giao thông. Người dân cũng có thể tìm đường đi dựa vào điểm đầu và điểm cuối lộ trình.

Không chỉ tiếp nhận thông tin một chiều, thụ động, người dân còn có thể xem được hình ảnh streaming từ các camera giám sát giao thông tại một số khu vực và nhất là người dân có thể chụp hình, gửi thông tin về ngành GTVT thành phố để phản ánh các sự cố hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Tính thiết thực của các công cụ truyền tải thông tin kể trên đã phần nào thể hiện thông qua các con số thống kê mới nhất của ngành chức năng.

Cho đến nay, Cổng thông tin giao thông TPHCM đã có 2,7 triệu lượt truy cập, trong đó truy cập qua website là 1,55 triệu lượt; 810.000 lượt truy cập trên ứng dụng di động và 340.000 lượt tra cứu thông tin trên ứng dụng Zalo; có 143.000 lượt tải ứng dụng được người dân tải về, trong đó tải qua hệ điều hành Android là khoảng 77.000 lượt, còn lại là tải trên hệ điều hành iOS. Số lượt người sử dụng đồng thời trung bình từ 30-650 người/thời điểm, lúc cao điểm nhất lên đến 4.100 người sử dụng/thời điểm.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đã triển khai 2 công cụ khác là ứng dụng “Phản ánh sự cố hạ tầng” trên thiết bị di động và trang Facebook theo địa chỉ http://www.facebook.com/sgtvthcm.

Tăng cường tương tác với dân ảnh 1 Người dân vào trang Facebook Sở Giao thông Vận tải TPHCM tìm các cơ sở đào tạo và tiếp nhận hồ sơ giấy phép lái xe. Ảnh: AN MINH
Hai công cụ này không chỉ có mục đích cung cấp thông tin chuyên ngành cho người dân mà còn là kênh để người dân chủ động phản ánh, gửi thông tin, hình ảnh liên quan đến các sự cố hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.

Đặc biệt, trang mạng xã hội Facebook đã giúp Sở GTVT tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ người dân liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn thành phố. Cho đến nay, trang Facebook của Sở GTVT đã có gần 2,5 triệu lượt người tiếp cận.

Thuận tiện cho doanh nghiệp vận tải

TPHCM hiện có 5.568 đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động dàn trải khắp 24 quận, huyện. Chính vì thế, việc gửi và nhận văn bản bằng giấy giữa Sở GTVT và các đơn vị kinh doanh vận tải mất khá nhiều thời gian lẫn chi phí.

Chưa kể một phiền toái khác là trên thực tế các đơn vị kinh doanh vận tải thường có sự thay đổi địa chỉ giao dịch, dẫn đến có những lúc văn bản của Sở GTVT phát hành bị trả lại với lý do được ngành bưu điện cho biết là “không đúng địa chỉ”.

Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT đã triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm gửi và tiếp nhận yêu cầu trực tuyến giữa sở với các DN vận tải. Với cách làm mới, DN vận tải luôn kịp thời cập nhật các thông tin điều hành hoặc trao đổi công việc của Sở GTVT, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm chi phí cho giấy in, ngăn ngừa tiêu cực và tạo môi trường tương tác thân thiện với DN vận tải.

Nói cách khác, từ nay các DN vận tải có thể đăng nhập vào trang http://120.72.86.222/dvc để thực hiện trực tuyến nhiều công việc liên quan hoạt động DN, như gửi thông báo hợp đồng, vận chuyển; gửi báo cáo kết quả hoạt động vận chuyển; gửi văn bản điện tử cho Sở GTVT.

Một ứng dụng khác có tên gọi là ứng dụng “Doanh nghiệp vận tải” được cài đặt trên các thiết bị thông minh. Ứng dụng này phục vụ DN vận tải 24/7 và là một kênh giúp DN tương tác với Sở GTVT một cách kịp  thời, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi mà không cần phải đến liên hệ trực tiếp tại Sở GTVT.

Ở chiều ngược lại, Sở GTVT có thể gửi, nhận hoặc phản hồi thông tin đến các DN vận tải một cách hiệu quả, nhanh chóng. Doanh nghiệp vận tải và các cơ quan chức năng cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin xe và DN vi phạm một cách nhanh chóng, chính xác thông qua Cổng thông tin giao thông.

Các thông tin như kết quả cấp phép phù hiệu, biển hiệu ô tô, giấy phép kinh doanh vận tải… đều được công khai trên Cổng thông tin giao thông TPHCM. Điều này không chỉ giúp ích cho các DN vận tải mà các cơ quan liên quan cũng hưởng lợi như ngành thuế, công an, thanh tra… Các lực lượng chức năng này có thể truy cập và xác định tính pháp lý trong xử lý nghiệp vụ mà không phải chờ Sở GTVT hoặc các DN cung cấp như trước đây.

Trước đây, việc cấp phép xây dựng công trình thiết yếu, quản lý duy tu cầu, đường bộ, chiếu sáng công cộng; cấp phép đường cấm, giờ cấm trong khu vực nội đô được thực hiện một cách thủ công nên khó khăn cho công tác quản lý giấy phép, còn công tác tổng hợp, báo cáo thống kê có thể có sai sót.

Để giải quyết những hạn chế này, Sở GTVT đã đưa vào ứng dụng phần mềm “Quản lý duy tu, cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu và cấp phép đường cấm, giờ cấm trong khu vực nội đô thành phố”.

Chánh văn phòng Sở GTVT TPHCM Nguyễn Thị Việt Thu cho biết, phần mềm liên thông này trong thực tế đã đem lại nhiều tác dụng tích cực, như rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng công trình thiết yếu theo tiêu chuẩn ISO, từ 10 ngày xuống còn 7 ngày; thuận tiện, dễ dàng trong quản lý cấp phép, quản lý duy tu, theo dõi thi công bằng bản đồ theo từng lĩnh vực cụ thể; quy trình giải quyết hồ sơ được chặt chẽ hơn; tương tác nhanh và hiệu quả giữa các đơn vị liên quan… 

Tin cùng chuyên mục