Tăng đầu tư bảo vệ hệ sinh thái

Hôm nay 11-10, Liên hiệp quốc (LHQ) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về đa dạng sinh học của LHQ tại Côn Minh, Trung Quốc. Phó trưởng Ban Thư ký Công ước LHQ về đa dạng sinh học David Cooper kêu gọi cộng đồng toàn cầu cần đầu tư nhiều hơn và tăng quy mô cũng như tốc độ thực hiện cam kết bảo vệ thiên nhiên và ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài.
Cá chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường ở bang Lousiana, Mỹ
Cá chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường ở bang Lousiana, Mỹ

Cần định hướng rõ hơn

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10-10, ông David Cooper nhấn mạnh, các bộ trưởng tham dự hội nghị thượng đỉnh cần thể hiện tham vọng lớn hơn và đưa ra “định hướng chính trị rõ ràng” cho các nhà đàm phán, những người dự kiến sẽ đi đến một thỏa thuận cuối cùng vào tháng 5-2022.

Các tổ chức môi trường cho rằng cần khẩn cấp triển khai những biện pháp bảo vệ môi trường sống và làm chậm tốc độ tuyệt chủng của các loài, đặc biệt là sau khi các chính phủ vào năm 2020 đã không hoàn thành được bất kỳ mục tiêu nào đã đặt ra từ cách đây 10 năm.

Nhưng ông David Cooper nhấn mạnh mức độ khẩn cấp trong vấn đề này chưa đủ, vì hiện nay nhiều quốc gia đang chi nhiều tiền cho các dự án làm tổn hại hệ sinh thái hơn là số tiền đầu tư để bảo vệ đa dạng sinh học, vì vậy các nước cần phải thay đổi điều này. Theo ông David Cooper, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ tính cấp bách của việc bảo vệ sinh thái, song điều này chưa được phản ánh trong các kế hoạch phục hồi sau đại dịch. Do đó, các nước cần bảo đảm rằng các biện pháp phục hồi sau đại dịch sẽ không làm tình hình trầm trọng hơn. 

LHQ thúc đẩy các quốc gia cam kết bảo vệ 30% đất đai của nước mình vào năm 2030. Mỹ và một số quốc gia khác đã nhất trí về cam kết này, trong khi Trung Quốc chưa đưa ra cam kết.

Thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch

Các nước châu Á và Australia đã đặt ra các mục tiêu về trung hòa carbon với nhiều giải pháp như đánh thuế và ứng dụng công nghệ. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết nước này sẽ áp thuế carbon hơn 2.000USD/tấn đối với lượng khí thải vượt quá giới hạn quy định kể từ ngày 1-4-2022 theo luật về hài hòa thuế vừa được Quốc hội Indonesia thông qua. Thuế carbon là một phần trong cam kết của Indonesia nhằm tự cắt giảm 29% khí thải và 41% với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030.

Loại thuế này sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn và được điều chỉnh theo hoạt động buôn bán carbon như một phần của lộ trình kinh tế xanh nhằm giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp, đồng thời cắt giảm lượng khí thải carbon. Trong giai đoạn đầu tiên vào năm nay, Chính phủ Indonesia sẽ xây dựng cơ chế thương mại carbon và từ năm 2022 đến năm 2024 sẽ áp dụng thuế đối với các nhà máy điện chạy than, dựa trên giới hạn và cơ chế thuế. Từ năm 2025 trở đi, thương mại carbon sẽ được thực hiện đầy đủ và lĩnh vực thuế carbon sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn, phù hợp với sự chuẩn bị của ngành nhiệt điện.

Tại Australia, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã bắt đầu thử nghiệm một ứng dụng cung cấp cho khách hàng thông tin về lượng phát thải CO2 từ các hoạt động của họ cũng như cách bù đắp thiệt hại mà lượng khí thải họ gây ra đối với môi trường. Theo giai đoạn đầu của dự án, một nhóm khách hàng bán lẻ được CBA lựa chọn sẽ sử dụng ứng dụng này để theo dõi lượng khí thải carbon hàng tháng từ các hoạt động mua sắm và tiêu dùng hàng ngày. Sau đó, ứng dụng sẽ chỉ ra cách để khách hàng bù đắp lượng phát thải của họ bằng cách mua các tín dụng carbon. Các tín dụng này được dùng để tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường như cải tạo đất hoang.

Trong bối cảnh thế giới cùng lúc đối mặt 3 mối đe dọa về môi trường, gồm: mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và ô nhiễm gia tăng, LHQ thực hiện chương trình Thập kỷ LHQ về phục hồi hệ sinh thái từ tháng 6 năm nay. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mô tả thập kỷ phục hồi là lời kêu gọi hành động toàn cầu, sẽ thu hút sự hỗ trợ chính trị, nghiên cứu khoa học và nguồn lực tài chính. Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 9-10 cũng chính thức công nhận việc được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh và bền vững cũng là một “quyền con người”.

Tin cùng chuyên mục