Tăng hay không tăng?

Trong thời buổi cái gì cũng đòi phải tăng, từ GDP cho đến giá cả các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống thì việc tăng viện phí “cho bằng anh, bằng em” như đề xuất của ngành y tế thực sự đang gây “sốc” xã hội. Bởi lẽ, đây là lãnh vực liên quan đến tính mạng con người, không thể có giải pháp tăng - giảm biện chứng như các hoạt động kinh doanh khác: Chẳng hạn, xăng lên giá thì ta chọn giải pháp đi bộ vừa khỏe thân người lại bảo vệ được môi trường; rồi thịt cá có “a dua” tăng theo thì cứ chay tịnh hoặc giảm bớt khối lượng hấp thụ là lợi cả đôi đàng, vừa đỡ mắc chứng bệnh béo phì lẫn không mang tiếng “sát sinh”… nhưng viện phí tăng - quả thật - không còn cách nào khác - là cứ tăng tiền đóng theo yêu cầu - nếu không muốn mon men đến gần “nhà vĩnh biệt” bên trong khuôn viên bệnh viện.

Nói thế để thấy viện phí giống như căn bệnh huyết áp cao, động chạm cả hai phía là nhà cung cấp và người thụ hưởng dịch vụ. Về phía ngành y tế, họ cũng có đầy đủ “lý” và “tình” để áp khung viện phí mới vốn được soạn thảo từ năm ngoái, đó là phải chi đúng và chi đủ mới có “tầm” chất lượng khám chữa bệnh. Cái lý mà ngành y tế đưa ra là Thông tư 14 quy định mức đóng viện phí đã tồn tại từ cách đây 15 năm đã không “hợp thời và quá lạc hậu”, như giá khám bệnh 3.000 - 5.000 đồng/lần, tiền giường bệnh chỉ 10.000 - 15.000 đồng… trong khi bây giờ với số tiền đó người dân… không đủ đóng tiền gửi xe thăm nuôi người bệnh, chứ đừng có nói đến chuyện “nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.

Còn bên “tình” thì “nhà thương” (tên gọi bệnh viện trước đây) lập luận rằng viện phí nó thấp và cũ như vậy tất yếu dẫn đến sự sụt giảm của y đức và vô hình chung tạo ra căn bệnh tiêu cực với triệu chứng “phong bao” tràn lan. Bởi thế, để trị tận “gốc” bệnh, điều kiện cần là phải can đảm tăng giá, có tăng tiền mới hòng tăng chất lượng chữa trị. Nhưng tăng bao nhiêu là hợp lý và tăng ở thời điểm nào mới là vấn đề phải suy xét cẩn trọng. 

Người dân than phiền rằng họ đang “hoa mắt” khi ngắm hóa đơn thanh toán viện phí bỗng chốc tăng 7 - 10 lần cho 400 loại dịch vụ y tế, trong đó cá biệt có loại tăng đến 20 lần. Điều đáng nói là đa phần họ là những người có thu nhập tạm đủ sống, không đủ sức chi trả cho các dịch vụ kỹ thuật cao. Và với khoảng 70%-80% dân số sống bằng nghề nông vốn thiếu hiểu biết về sức khỏe và vệ sinh thì mức tăng kể trên xem như quá sức chịu đựng của họ. Như vậy xem ra chỉ có người nghèo là bị dồn vào vòng xoáy của lạm phát và tăng giá còn các cơ sở y tế vẫn sống khỏe, sống vững chắc suốt 15 năm qua. Điều đó cũng không phải bàn cãi gì khi các bệnh viện được tự chủ thu chi cho các hoạt động của mình theo tinh thần Nghị định 43 và 69.

Một chuyên gia trong ngành thở dài: Ai chết thì… chết chứ bệnh viện làm sao mà chết được. Quả đúng vậy: tại các bệnh viện công, ngoài việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, các mô hình khám chữa bệnh dịch vụ, khám chữa bệnh theo yêu cầu đang nở rộ. Đáng lưu ý, giá những dịch vụ này lại mỗi nơi mỗi kiểu vì Bộ Y tế chưa quản lý bằng khung giá, trong khi chính những mô hình này mới mang lại nguồn thu chủ yếu cho các bệnh viện. 

Và phải nói rằng về thực chất, giá viện phí đã tăng từ nhiều năm qua khi Thông tư 14 còn nguyên hiệu lực. Giá khám bệnh hiện giờ ở bệnh viện công đã ở mức 30.000 - 50.000 đồng/lần, cá biệt có nơi như bệnh viện FV tăng lên đến 20USD/lần. Nhưng kỷ lục phải nói đến Bệnh viện Vũ Anh ở Gò Vấp với giá khám tổng quát cho bệnh nhân 2,36 - 2,7 triệu đồng/ca và muốn nằm phòng VIP ở đây, bạn phải trả 1,8 triệu đồng/người/ngày. Và sẽ không quá khi nói rằng đề xuất tăng viện phí là nhằm hợp thức hóa cho bệnh viện.

Còn một điều đáng lưu ý nữa là tăng viện phí phải đi kèm với chất lượng khám chữa bệnh. Và liệu nhu cầu của người dân có được đáp ứng khi số bệnh viện mới xây chỉ đếm trên đầu ngón tay cũng như những nhiêu khê về chất lượng nguồn nhân lực, về trang thiết bị y tế? Rõ ràng tăng viện phí là điều kiện cần nhưng chưa đủ để người dân an tâm với đồng tiền bỏ ra. Hơn nữa, có tăng thì cũng phải tăng hợp lý, tăng có lộ trình, tăng đúng thời điểm. Xét toàn cục, trong bối cảnh cả nước nỗ lực bình ổn giá, giảm thiểu tác động của lạm phát đến đời sống người dân thì liệu pháp tăng giá viện phí có hợp lý?

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục