Vào 6 giờ 55 sáng 26-12-2018, phát hiện nhân công của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cấp nước vẫn đang thi công công trình đào đường lắp đặt tuyến cấp nước tại giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiều (quận 3), Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở GTVT, đã thông báo ngay với lực lượng TTGTVT. Chỉ 2 phút sau, Đội TTGTVT số 3 đã tiếp nhận thông tin và tiến hành xử lý hành vi vi phạm của công ty trên với lỗi vi phạm thi công công trình trên đường đô thị không thực hiện theo thời gian quy định, vi phạm điểm a khoản 4 Điều 13 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tốc độ xử lý nhanh từ lúc phát hiện đến lúc lập biên bản vi phạm hành chính là do có sự phối hợp công tác giữa TTGTVT với các khu quản lý giao thông đô thị, thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh có tên gọi “Nhóm phản ứng nhanh hạ tầng giao thông”. Hay như vào lúc 11 giờ 10 ngày 11-1-2019, nhận tin báo từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đội TTGTVT số 8 đã nhanh chóng tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm đối với tài xế ô tô 51G-167.39 do dừng xe bên trái đường một chiều tại cột B3 đường A1, sân bay Tân Sơn Nhất, thuộc địa bàn phường 2, quận Tân Bình…
Các trường hợp trên là điển hình cho thấy hiệu quả của sự phối hợp công tác giữa lực lượng TTGTVT với các đơn vị khác nhau. Chánh Thanh tra TTGTVT Trần Quốc Khánh cho biết, đến nay TTGTVT đã ký kết quy chế phối hợp công tác với nhiều đơn vị chức năng không chỉ trên địa bàn TPHCM mà còn với các tỉnh, thành khác. Có thể nhắc đến quy chế phối hợp về trao đổi thông tin hỗ trợ hoạt động thanh tra, kiểm tra và công tác tuyên truyền trong hoạt động vận tải hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn thành phố được ký kết giữa TTGTVT với Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM. Quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động vận tải hành khách công cộng được ký kết giữa TTGTVT với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng. Quy chế phối hợp về trao đổi thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa TTGTVT TPHCM với TTGTVT các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bến Tre, Bình Thuận. Kế hoạch phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được ký kết giữa TTGTVT với Công an quận Tân Bình và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM Trần Quốc Khánh cho rằng sự phối hợp công tác này là cần thiết và hữu ích trong bối cảnh lực lượng TTGTVT quá mỏng về quân số nhưng khối lượng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố quá lớn. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, TPHCM đang quản lý gần 4.300km đường bộ và 1.117 công trình cầu, trong khi toàn lực lượng TTGTVT chỉ có 213 người, bao gồm cả bộ phận văn phòng, tổ chức. Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị quản lý chuyên môn như các Khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đều không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Hai trường hợp dẫn chứng nêu trên là minh họa rõ nét. Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 phát hiện vi phạm đào đường ngoài khung giờ cho phép thi công trên đường đô thị, nhưng không có thẩm quyền xử phạt vì đây là chức năng của TTGTVT. Tương tự, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện sai phạm dừng đậu phương tiện không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trong phạm vi sân bay nhưng không có chức năng lập biên bản xử phạt hành vi vi phạm này.
Trong năm 2018 vừa kết thúc, thông qua việc xây dựng, thiết lập và triển khai các quy chế phối hợp, kế hoạch liên ngành, TTGTVT TPHCM đã xử lý theo thẩm quyền 12.020 vụ vi phạm trên lãnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường thủy nội địa, với tổng số tiền xử phạt gần 66 tỷ đồng. Ngoài ra, TTGTVT TPHCM còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn và ban hành quyết định tạm giữ phương tiện, đình chỉ thi công công trình đối với 1.853 trường hợp.