Tăng liên kết để giữ vững sân nhà

Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TPHCM vừa tổ chức diễn đàn Chiến lược phát triển kinh doanh 2016 trong bối cảnh mới cho các doanh nghiệp trong ngành. Nhiều doanh nghiệp gỗ chia sẻ, năm 2015, dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng các doanh nghiệp ngành gỗ đạt những con số rất ấn tượng trên cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Tăng liên kết để giữ vững sân nhà

Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TPHCM vừa tổ chức diễn đàn Chiến lược phát triển kinh doanh 2016 trong bối cảnh mới cho các doanh nghiệp trong ngành. Nhiều doanh nghiệp gỗ chia sẻ, năm 2015, dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng các doanh nghiệp ngành gỗ đạt những con số rất ấn tượng trên cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Doanh nghiệp nội lấn át FDI

Khác với lĩnh vực điện điện tử hay dệt may, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm ưu thế về xuất khẩu. Trong lĩnh vực chế biến gỗ, ưu thế xuất khẩu lại thuộc về các công ty Việt. Cụ thể, 10 năm trước, doanh nghiệp FDI chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu gỗ nhưng nay chỉ còn hơn 30%; số còn lại thuộc về doanh nghiệp nội. Doanh thu của các doanh nghiệp không ngừng tăng nhanh theo các năm. Đơn cử, trường hợp Công ty Gỗ Hố Nai, doanh số tăng 30% - 50% qua nhiều năm, riêng năm 2015 có sự đột phá khi đạt 20 triệu USD. Công ty gỗ Tân Thành, doanh số năm 2015 của công ty đạt 2.400 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu chiếm 40%; Công ty Goodland cũng đạt doanh số 36 triệu USD, Công ty Minh Dương đạt khoảng 40 triệu USD và chủ yếu là xuất khẩu…

Nhận định về xu hướng phát triển ngành gỗ trong thời gian tới, hầu hết doanh nghiệp sản xuất gỗ đều cho rằng tín hiệu rất lạc quan. Các nước phát triển chi cho tiêu thụ nội thất từ 130 - 170USD/người/năm, Trung Quốc là 50USD/người/năm, còn ở Việt Nam thì khoảng 30USD/người/năm. Mặt khác, các hiệp định thương mại mở ra vận hội mới cho các doanh nghiệp Việt, đó là giảm 3% - 7% thuế khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ bởi ngành gỗ không chịu nhiều ảnh hưởng từ quy định xuất xứ nguồn gốc. Phần lớn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất gỗ nước ta đều nhập khẩu từ Mỹ và khai thác từ rừng trồng, nên sẽ tăng được lợi thế cạnh tranh nhờ tận dụng tốt ưu đãi về thuế.

Tuy nhiên, trái với tâm lý lạc quan trước thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp cho rằng vấn đề lo lắng nhất hiện nay là giữ vững thị trường nội địa. Một thực tế là trong thời gian qua, đồ gỗ tại các công trình trong nước đều do các doanh nghiệp nội cung cấp. Thế nhưng, vấn đề khó mà các doanh nghiệp gỗ đang gặp phải là yếu khâu thiết kế và phân phối sản phẩm. Những mẫu mã, sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp đang sản xuất chủ yếu là phỏng theo mẫu của sản phẩm nước ngoài. Do đó, trong bối cảnh hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Thái Lan sẽ ồ ạt sang Việt Nam đầu tư để tận dụng cơ hội từ TPP. Kéo theo vấn đề là tràn ngập sản phẩm gỗ từ các nước trong nội khối thông qua hệ thống phân phối của họ, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức cạnh tranh sản phẩm gỗ nội. 

Một khó khăn khác là doanh nghiệp Việt không có hệ thống phân phối nội địa đủ mạnh để đưa sản phẩm nội tiếp cận bền vững thị trường trong nước. Hơn 80% sản phẩm gỗ nội địa phân phối qua hệ thống cửa hàng nhỏ lẻ. Số ít hệ thống phân phối sản phẩm gỗ lớn đang bị doanh nghiệp Thái Lan đang ra sức thâu tóm. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh, kiêm Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho biết nắm được hệ thống phân phối là cách duy nhất và nhanh nhất để các doanh nghiệp nội hay ngoại nắm được thị trường. Do vậy, để chuẩn bị cho việc hàng ngoại ồ ạt vào Việt Nam thì thâu tóm hệ thống phân phối là bước đi đầu tiên mà các nhà đầu tư ngoại thực hiện.

Tăng trưởng doanh nghiệp gỗ đạt kết quả ấn tượng trên cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. (Ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ tại một doanh nghiệp) Ảnh: CAO THĂNG

Liên kết để làm chủ hệ thống phân phối

Bản thân doanh nghiệp nội không đủ lực để tạo ra hệ thống phân phối với quy mô lớn như doanh nghiệp ngoại. Để mở một siêu thị nội thất cần mặt bằng khá lớn, chỉ gian trưng bày sản phẩm cũng tiêu tốn vài chục tỷ đồng, chưa kể những chi phí nhân sự khác. Trường hợp Công ty Gỗ Hà Nam là một điển hình, sau hơn 10 năm kinh doanh, công ty dù mong muốn mở ở mỗi tỉnh, thành một cửa hàng trưng bày nhưng không thể thực hiện được vì chi phí quá sức của doanh nghiệp. Hiện công ty chỉ mới mở được 7 siêu thị đồ gỗ tại TPHCM và Hà Nội.  Do vậy, liên kết để làm chủ hệ thống phân phối, đó là yếu tố sống còn mà các doanh nghiệp sản xuất gỗ Việt Nam đang hướng tới. Theo đó, mỗi doanh nghiệp gỗ sẽ phụ trách những công đoạn khác nhau, tránh đầu tư trùng lắp gây lãng phí và không tạo ra được sản phẩm đặc trưng. Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Goodland, cho biết sự liên kết sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ, bởi ai nắm được kênh phân phối thì ngành sản xuất của nước đó sẽ được lợi. Thế nhưng, doanh nghiệp chỉ có thể làm được điều này, khi hiệp hội đóng vai trò cầu nối.

Không chỉ vậy, lợi thế lớn của ngành là công nhân giá rẻ nhưng lợi thế này sẽ mất đi nhanh chóng. Bởi việc thu hút mạnh các đầu tư từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên trong thời gian tới sẽ kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng, dẫn đến những xáo trộn về nguồn lực trong các doanh nghiệp. Mặt khác, trong những năm qua, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực sản xuất sản phẩm gỗ gần như không được đào tạo chính quy. Những thợ sản xuất phần lớn đều là những người xuất thân từ những gia đình có nghề sản xuất gỗ nên trình độ bị hạn chế, không phù hợp trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay. Do vậy, cấp thiết cần có trường đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, thậm chí nhiều doanh nghiệp mong muốn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để thành lập trường đào tạo nhân lực cho ngành sản xuất gỗ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng hướng riêng cho mình để giảm sức ép cạnh tranh. Qua thực tế sản xuất cho thấy, những doanh nghiệp làm sản phẩm từ gỗ rừng trồng như gỗ keo thì ít bị cạnh tranh hơn so với gỗ sồi, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu gỗ dăm… Doanh nghiệp nội nên tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre, quế, hồi… Và quan trọng hơn, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược lâu dài nhằm triển khai xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả đối với cả thị trường trong và ngoài nước.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục