Tăng nội lực - đón cơ hội

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối trực tiếp với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất đầu cuối.
Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất CNHT trong nước quảng bá sản phẩm với doanh nghiệp nước ngoài đầu cuối
Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất CNHT trong nước quảng bá sản phẩm với doanh nghiệp nước ngoài đầu cuối
Tại các cuộc kết nối, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khẳng định, chất lượng sản phẩm Việt Nam rất tốt. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị và giảm giá thành sản xuất để cải thiện nội lực cạnh tranh. 

Tiềm năng phía trước

Nhìn nhận về cơ hội phát triển ngành CNHT tại Việt Nam, đại diện Bộ Công thương cho rằng, tiềm năng phát triển sản phẩm CNHT trong ngành điện, điện tử và ô tô tại Việt Nam là mạnh nhất. Bởi Việt Nam đang có quy mô thị trường tiêu thụ lớn với hơn 50% dân số vàng và sẽ là thị phần tiêu thụ trong giai đoạn từ năm 2030 trở đi. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 2.185USD/người/năm vào năm 2016 và ước đạt 3.000USD/người/năm vào năm 2030. 

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng ngành ô tô hiện đạt 24%/năm. Sản lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng như sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2012-2016 giảm nhiều. Nguyên nhân do chính sách nhập khẩu có nhiều điều chỉnh như tăng thuế trước bạ, áp thuế môi trường… Tuy nhiên, thực trạng này đang có sự thay đổi nhanh chóng. Chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn ngành ô tô nhập khẩu 2,3 tỷ USD xe nguyên chiếc và 3,5 tỷ USD phụ tùng máy móc, trang thiết bị sản xuất ô tô. Hiện Việt Nam đang đạt mật độ 25 xe/1.000 dân và sẽ tăng lên ngưỡng 50 xe/1.000 dân vào năm 2030.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô tăng nhanh trong thời gian tới, trong nước đang có hơn 20 doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ô tô. Thế nhưng, vấn đề mà các doanh nghiệp sản xuất ô tô gặp phải là phải nhập khẩu phần lớn sản phẩm phụ trợ. Tính đến nay, trong nước chỉ có 84 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm CNHT cấp 1 và 145 doanh nghiệp cung ứng cấp 2, 3. Trong khi đó, nếu so với Thái Lan, chỉ có 16 doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ô tô hoàn chỉnh nhưng có đến 690 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm CNHT cấp 1 và 1.700 doanh nghiệp cung ứng cấp 2, 3. Điều này cho thấy, thị trường cung ứng sản phẩm CNHT nước ta còn thấp. Đây chính là cơ hội để ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT Việt Nam nhận xét, ngành điện tử chỉ chiếm 90% toàn ngành công nghệ thông tin nhưng tập trung chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài. Tình hình cung ứng linh kiện, nhựa cao su, nhựa, điện - điện tử phần lớn là nhập khẩu (linh kiện điện - điện tử nhập khẩu chiếm 94%, thậm chí đến 100.
 
Cải thiện chất lượng sản phẩm

Ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và thương mại Lidovit, cho rằng cơ hội tham gia hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu đối với doanh nghiệp CNHT nói chung là rất lớn, nhưng tỷ lệ tham gia cung ứng hiện tại còn thấp. Nguyên nhân do doanh nghiệp nước ngoài chưa thực sự gắn kết với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ trợ trong nước. Họ thường sử dụng nhà cung ứng trong chuỗi vì chất lượng ổn định và giá cạnh tranh hơn. Mặt khác, năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu về thiết bị công nghệ, quản trị, nhân lực, hệ thống kiểm soát… Bài toán này không phải 1 năm mà nhiều năm mới có thể giải quyết được. Bước đầu tăng cường quản trị nội bộ, tăng cường đầu tư hệ thống kiểm soát; đặc biệt là phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng và giá cả cạnh tranh. Cần có chiến lược đầu tư dài hạn và chủ động kết nối doanh nghiệp nước ngoài đầu cuối để nắm bắt nhu cầu của họ. Sản phẩm sản xuất phải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn thế giới và liên tục đổi mới, cải tiến. Về thương mại phải biết ngoại ngữ, có công cụ bán hàng và thông tin đầy đủ. Tuy nhiên, để doanh nghiệp nước ngoài đầu cuối tiếp nhận những sản phẩm nội địa đạt yêu cầu về chất lượng, giá thành… đòi hỏi cơ quan chức năng phải tạo hành lang pháp lý, định hướng và lộ trình phát triển, minh bạch thông tin, tiêu chuẩn để doanh nghiệp phấn đấu đạt được. Công khai danh sách và tiêu chuẩn để doanh nghiệp tham gia vào hệ thống cung ứng. 

Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh thêm, các biện pháp hàng rào kỹ thuật cộng với chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện hiện tại sẽ tạo lợi thế nhất định để doanh nghiệp sản xuất CNHT trong nước phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Do vậy, doanh nghiệp cần phải tận dụng tốt cơ hội này để cải thiện chất lượng sản xuất, đáp ứng nhanh yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện để hỗ trợ doanh nghiệp CNHT phát triển nội lực, Bộ Công thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước phát triển chương trình nhà cung cấp. Theo đó, tìm cách kết nối doanh nghiệp sản xuất ô tô với nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ. Với những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phụ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất lắp ráp ô tô sẽ được hỗ trợ để hoàn thiện, cải tiến hiệu suất sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất. Chương trình này sẽ kéo dài trong 2 năm và sau đó được đánh giá lại hiệu quả thực hiện trước khi có giải pháp triển khai tiếp. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng đã thiết lập liên minh doanh nghiệp sản xuất CNHT để kết nối cung cầu giữa các DN đầu cuối và DN trong nước.

Riêng UBND TPHCM cũng đã hỗ trợ 12 dự án đầu tư phát triển CNHT với tổng vốn 800 tỷ đồng. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khẳng định để cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn vai trò kết nối cung - cầu, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp CNHT phát triển trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin tình hình hoạt động cho các cơ quan chức năng. Đây là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài đầu cuối.

Tin cùng chuyên mục