Tăng sản xuất nông sản đáp ứng thị trường

Những tháng đầu năm 2020, nhiều trang trại tại TPHCM “tăng tốc” sản xuất nhằm đáp ứng sản lượng thiếu hụt do dịch Covid-19 gây ra. Những chính sách hỗ trợ từ nhà nước đã trở thành “cánh tay nối dài” giúp doanh nghiệp (DN) an tâm sản xuất, mở rộng diện tích và chuyển đổi mô hình phù hợp.
TPHCM đã có nhiều mô hình sản xuất rau công nghệ cao
TPHCM đã có nhiều mô hình sản xuất rau công nghệ cao

Tăng sản phẩm chủ lực

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, toàn thành phố có 91 xã, phường sản xuất rau, với diện tích canh tác là 3.524ha. Diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2019-2020 ước đạt 6.400ha, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 100ha, năng suất bình quân 28,5 tấn/ha, ước sản lượng đạt 182.400 tấn. Diện tích cây lúa vụ đông xuân 2019-2020 đạt 4.951ha, trong đó huyện Củ Chi 3.860ha, Hóc Môn 991ha và quận Bình Tân 100ha (đạt 110% so với kế hoạch). Ngoài ra, những cây không đạt năng suất giảm diện tích như cây bắp diện tích là 404ha, giảm 39ha so với cùng kỳ; cây khoai mì diện tích 191ha, giảm 50ha; cây mía diện tích là 178ha, giảm 170ha.

Nhiều khu vực đất trồng lúa đạt năng suất thấp, đất nhiễm phèn mặn, thành phố khuyến khích chuyển đổi loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn và đã được nông dân chấp nhận, như các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP; mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trồng rau thủy canh, mô hình trồng dưa lưới tưới nhỏ giọt… Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trong năm 2019 là 139ha, đạt 46,5 % so với chỉ tiêu kế hoạch là 300ha. Trong đó, có 46ha đất lúa chuyển đổi sang trồng rau; 10ha chuyển từ đất lúa sang trồng hoa, cây kiểng; 83ha chuyển sang thâm canh lúa - thủy sản; cây ăn trái có diện tích 3.889ha, tăng 107ha so với cùng kỳ năm trước.  

Đến nay, việc dán tem truy xuất nguồn gốc rau củ quả VietGAP được thực hiện tại 7 hợp tác xã nông nghiệp và 1 tổ hợp tác sản xuất. Sản lượng rau dán tem tăng từ 4 tấn/ngày trong năm 2016, nay tăng lên 21,8 tấn/ngày, chiếm 53,1% tổng sản lượng/ngày. Tính lũy tiến đến nay, tổng số cơ sở sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố có 1.345 đơn vị, cá nhân được chứng nhận VietGAP, với tổng diện tích canh tác 1.728ha, chiếm tỷ lệ 60% diện tích gieo trồng rau ở TP, sản lượng dự kiến đạt 212.098 tấn/năm. 

Kết quả giá trị sản xuất nông nghiệp 3 tháng đầu năm 2020 tăng 4,3% so với cùng kỳ; trong đó, trồng trọt tăng 6,7%, chăn nuôi tăng 0,7%, thủy sản tăng 7%. Diện tích gieo trồng rau đạt 4.500ha, tăng 16,1% so với cùng kỳ; sản lượng 127.350 tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Các DN trên địa bàn thành phố đã xuất khẩu khoảng 490 tấn hạt giống, chủ yếu là hạt giống bắp và rau. Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trong 3 tháng đầu năm đã phê duyệt 28 hộ, DN, hợp tác xã được hỗ trợ lãi vay; tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng, tổng vốn vay 23 tỷ đồng. 

Đảm bảo tưới tiêu tránh hạn mặn

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, nhìn chung tình hình thời tiết vụ đông xuân 2019-2020 tương đối thuận lợi cho công tác sản xuất trồng trọt. Tuy hạn mặn có xuất hiện trên địa bàn sản xuất nông nghiệp, nhưng do có sự chủ động nguồn nước trong bố trí thời vụ cũng như chuyến đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên hạn hán và xâm nhập mặn không ảnh hưởng nhiều sản xuất trồng trọt, cây trồng vẫn được đảm bảo về năng suất và sản lượng. Trong đợt hạn mặn, Sở NN-PTNT thường xuyên phối hợp với các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi tổ chức kiểm tra công tác tích trữ điều tiết nước trong các ao hồ, sông, kênh rạch, công trình thủy lợi đảm bảo khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn TP.

Đơn cử, hệ thống các công trình thủy lợi phía Nam huyện Bình Chánh vừa làm nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ cho khoảng 1.800ha đất sản xuất nông nghiệp xen cài vừa làm nhiệm vụ tiêu thoát nước trên địa bàn các xã. Đối với khu vực thuộc hệ thống công trình thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh có nhiệm vụ dẫn, giữ nước ngọt từ sông Sài Gòn qua hệ thống sông Rạch Tra - An Hạ để tưới, ngăn lũ, ngăn mặn, tiêu úng, xổ phèn, cải tạo đất cho 8.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tận dụng lượng nước bổ sung từ sông Sài Gòn - Rạch Tra - Thầy Cai - Kênh An Hạ để bổ sung nước tưới cho hệ thống. Khu vực thuộc hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi có nhiệm vụ cung cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và cung cấp nước tưới cho khoảng 12.000ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi. 

Tuy nhiên, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân chưa chặt chẽ. Một số bộ phận người dân quen với việc canh tác lúa lâu nay nên e ngại trong việc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu hụt và lớn tuổi kết hợp với trình độ hạn chế gây khó khăn trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất. Do đó, Sở NN-PTNT tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cấp cơ sở, nhất là về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp, trong đó tập trung các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại nông sản, đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các đơn vị sản xuất với các hệ thống siêu thị, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, người dân trong việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Tin cùng chuyên mục