Tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa diễn ra, Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn thừa nhận những việc đã làm được và chưa làm được trong năm học cũ. Những yếu kém còn tồn tại của ngành giáo dục đang khiến xã hội bức xúc như việc thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, điều hành hiệu quả chưa cao; việc phân luồng học sinh chưa hiệu quả; dạy và học tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học còn hạn chế; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng; đào tạo đại học chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, khiến tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp còn cao... Giáo dục là quốc sách hàng đầu, xã hội càng đòi hỏi, kỳ vọng bao nhiêu thì những bức xúc càng lớn bấy nhiêu.
Với những bức xúc đó, 9 nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đề ra để thực hiện trong năm học mới sẽ chính thức khai giảng vào ngày 5-9 tới đây, đó là rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục toàn quốc; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp; đẩy mạnh phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường hội nhập quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, ngành giáo dục chú trọng nhất là việc nâng cao chất lượng nhà giáo và quản lý giáo dục, dù nhiệm vụ khó khăn nhưng bắt buộc phải làm vì đó là gốc rễ của ngành. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định “Hôm nay nếu chúng ta không làm thì sẽ không bao giờ làm được” và đã cam kết cùng với các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt những nhiệm vụ đề ra để năm học mới nền giáo dục có những cải thiện rõ nét, giảm bức xúc trong dư luận lâu nay.
Năm học mới bắt đầu với những cam kết có phần mạnh mẽ của vị tư lệnh ngành trong Chính phủ nhiệm kỳ mới. Và một lần nữa, xã hội lại đang dồn kỳ vọng vào quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục bởi mong muốn chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Đó là áp lực không hề nhỏ đối với ngành giáo dục cũng như cá nhân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong nhiệm kỳ 5 năm trước mặt. Không thể phủ nhận, năm học 2015-2016 vừa qua, ngành giáo dục và các địa phương đã dành sự quan tâm rất lớn, làm nhiều việc cụ thể, thực hiện chủ trương coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đã có những thay đổi tích cực đầu tiên được xã hội ghi nhận, trong đó nổi lên là những thay đổi tích cực trong kỳ thi THPT quốc gia qua 2 năm (2015, 2016), giảm từ 4 đợt thi xuống 1 kỳ thi, tổ chức ở tất cả các địa phương. Đã bước đầu đổi mới dạy học theo hướng mở, chú ý hơn đến phát triển toàn diện năng lực, tư duy sáng tạo và rèn luyện phẩm chất cho học sinh...
Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới toàn diện căn bản GD-ĐT đã hết sức rõ ràng, ngành giáo dục cần tập trung sức lực thực hiện thành công công cuộc đổi mới này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, đó là công việc quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa chiến lược lớn lao, “vì nó chuẩn bị cho con người, các thế hệ nối tiếp nhau để xây dựng, phát triển đất nước”.
Cuộc đổi mới này phải bám sát yêu cầu chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang hình thành nhân cách, phát triển năng lực. Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy phải theo yêu cầu đó. Nhiều hạn chế, yếu kém gần đây của ngành đã được khắc phục một bước nhưng chưa thật căn bản. Xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh, nguy cơ chưa giàu đã già sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta không có những đột phá, tạo chuyển biến nhanh trong công tác GD-ĐT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.
Đổi mới giáo dục còn quá nhiều việc phải làm, nhưng chắc chắn muốn thành công ngành giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm, phải làm với tinh thần vì học sinh với triết lý, mục tiêu phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất, đáp ứng nhu cầu của xã hội, đất nước. Xã hội mong giáo dục phổ thông giảm tải nhanh, chú trọng dạy học sinh đạo đức làm người, ý thức công dân với Tổ quốc, thái độ đúng với cộng đồng; giáo dục đại học phải đáp ứng thị trường lao động. Cùng với đó, chấn hưng giáo dục, bồi đắp nguyên khí quốc gia. Chỉ khi lấy giáo dục làm đầu, lấy nhân tài làm gốc thì chúng ta mới xây dựng đất nước phát triển bền vững.
LÂM NGUYÊN