Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các Phó Thủ tướng Chính phủ. Các đồng chí nguyên lãnh đạo tham dự có: nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng…
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các ý kiến tại hội nghị sẽ góp phần quan trọng hoàn thiện những quan điểm, định hướng phát triển, cả về tầm chiến lược và sách lược, đồng thời củng cố sự tin tưởng, sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó, tính kế thừa với tinh thần trách nhiệm cao giữa các thế hệ lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước, tất cả vì dân vì nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc. Thủ tướng cho biết, đất nước đã có thay đổi lớn lao, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt nhưng chúng ta không vì những thành quả đạt được mà chủ quan, thỏa mãn. Nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế, nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều đề cập đến việc Việt Nam “chưa giàu đã già”, có khoảng cách phát triển về tuyệt đối, tụt hậu với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cả về thu nhập, mức sống, trình độ khoa học công nghệ, sức sản xuất và năng lực cạnh tranh. Yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Đó mới chính là thể hiện rõ ràng, cụ thể tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, sự quyết tâm, ý thức tinh thần trách nhiệm cao của thế hệ hôm nay trước Đảng. Vì vậy, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã trao đổi nhiều, suy nghĩ rất nhiều trên các mặt xây dựng dự thảo văn kiện, trong việc đặt ra mục tiêu chiến lược, quan điểm phát triển, đột phá chiến lược và định hướng, giải pháp trọng tâm 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng lấy ví dụ, nên đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6% đến 7% trên năm hay khoảng 7% đến 8% trên năm? Thủ tướng cho rằng, chỉ có tăng trưởng cao mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có nguồn lực lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... tăng trưởng cao mới có nhiều việc làm, có thu nhập cho người lao động để nâng cao hơn nữa đời sống người dân. Nhưng đặt ra mục tiêu này có khả thi không, có thực hiện được không là điều rất trăn trở. “Có thể khẳng định chúng ta hoàn toàn thực hiện được mục tiêu này. Kinh nghiệm của các nước quanh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đều có thời kỳ tăng trưởng thần kỳ 10% trên năm suốt vài chục năm trong bối cảnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức tương tự như ta”, Thủ tướng nêu ý kiến. Nhưng để làm được điều đó, cần có chiến lược, định hướng giải pháp mạnh mẽ, đột phá, có cách làm, có lộ trình bước đi phù hợp, đặc biệt bao trùm lên tất cả là sự đồng thuận, trên dưới một lòng, là tinh thần ý chí khát vọng vươn lên của tất cả các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Theo Thủ tướng, chúng ta có nhiều ví dụ để minh chứng Việt Nam hoàn toàn có thể theo kịp và đạt trình độ bình quân của khu vực, tiếp cận trình độ quốc tế hiện đại.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại và tiếp thu các nội dung mà các đồng chí nguyên lãnh đạo góp ý, trong đó nhấn mạnh phần tổ chức thực hiện, đó là nâng cao trình độ quản trị quốc gia, vấn đề bộ máy phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó là đề nghị có một số chương trình quốc gia về các lĩnh vực gồm phát triển rừng, bảo vệ nguồn nước, năng lượng, chống tụt hậu, chống bẫy thu nhập trung bình, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…