Chính phủ họp thường kỳ tháng 3:

Tăng trưởng quý 2 sẽ cao hơn

Sửa đổi cơ chế chỉ định thầu
Tăng trưởng quý 2 sẽ cao hơn

Ngày 31-3, phiên họp thường kỳ tháng 3-2009 tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhiều vấn đề quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế đã được Thủ tướng kết luận.

Sửa đổi cơ chế chỉ định thầu

Như đã đưa tin, tăng trưởng GDP trong quý 1 là 3,1% thấp nhất trong nhiều năm qua, ước đạt cả năm ở mức 5%. Vì vậy, Thủ tướng đã đề cập đến việc có thể phải trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 5% trong năm nay (Quốc hội đã đặt ra chỉ tiêu GDP cả năm là 6,5%). Trong ngày làm việc hôm qua, hầu hết ý kiến đều đồng tình với mức tăng trưởng GDP 5% và tin tưởng với các giải pháp kích cầu của Chính phủ, nước ta có thể đạt GDP 5% trong năm 2009.

Tăng trưởng quý 2 sẽ cao hơn ảnh 1

Công ty chế tạo máy Tiến Tuấn (KCN Tân Bình) chế tạo máy ép vỉ thuốc 300 vỉ/phút, xuất khẩu sang Trung Đông và ASEAN. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cuộc khủng hoảng đã phần nào làm khó khăn cho các nhà đầu tư và người dân, vì vậy, việc cần nhất bây giờ là triển khai tốt các giải pháp kích cầu để nền kinh tế sớm hồi phục. Theo Phó Thủ tướng, bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ xuất khẩu, vì vậy cần cấp bách triển khai các chương trình xúc tiến thương mại (127 tỷ đồng). Chính phủ cũng sẽ bổ sung thêm 600 tỷ đồng cho chương trình này.

Về đầu tư, quý 1-2009 tăng trưởng đầu tư chỉ 9%, tuy cao hơn cùng kỳ năm 2008 nhưng với gói giải pháp kích cầu, tiến độ giải ngân hiện nay là chưa đạt yêu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng cũng cần được cải thiện hơn nữa để bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi cơ chế chỉ định thầu theo hướng phân cấp mạnh hơn cho Chủ tịch UBND các tỉnh, các chủ đầu tư để bảo đảm thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.

Hiện nay, vốn cho các dự án điện, xi măng cũng đang gặp khó khăn, nhiều dự án đã ký với nhà đầu tư nước ngoài nhưng họ bỏ dở vì suy giảm kinh tế, vì vậy trong nước phải đứng ra “đỡ”. Phó Thủ tướng yêu cầu, với các doanh nghiệp thiếu vốn, không tiếp cận được các nguồn vốn thì các bộ ngành liên quan lên danh mục các dự án trọng điểm, cấp bách thiếu vốn để Ngân hàng Nhà nước sắp xếp vốn. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, ngay trong tháng 4, hoặc tháng 5, Chính phủ phải thông qua đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có thể triển khai ngay trong năm 2009.

Sẽ giảm lãi suất, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tăng trưởng GDP quý 1 (3,1%) được nhiều chuyên gia cho là “chạm đáy” và đã hé lộ nhiều tín hiệu tạo đà đi lên. Điều này cho phép Chính phủ có căn cứ tin tưởng rằng tăng trưởng quý 2 sẽ cao hơn và kinh tế đang dần phục hồi. Để đón thời cơ, Thủ tướng yêu cầu bước vào quý 2, các bộ ngành cần triển khai ngay các giải pháp bổ sung. Bộ KH-ĐT cũng phải lên phương án cho sau khủng hoảng.

Thủ tướng cũng cho rằng, để có tăng trưởng cho quý 2, ngoài việc trông đợi vào tình hình bên ngoài, điều quan trọng nhất là nỗ lực trong tổ chức thực hiện và điều hành của Chính phủ. Vì vậy, trong 10 ngày sắp tới, các bộ ngành phải cụ thể hóa các chỉ đạo từ sau cuộc họp này thành văn bản hướng dẫn chi tiết để các giải pháp bổ sung sẽ hỗ trợ tích cực cho 5 nhóm giải pháp hiện có.

Trước các ý kiến thảo luận cho rằng, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhằm kích cầu tiêu dùng ở nông thôn, Thủ tướng nêu rõ, hỗ trợ nhóm sản xuất kinh doanh vẫn là giải pháp gốc, mà trọng tâm là kích cầu nông thôn vì tăng trưởng nông nghiệp sẽ “kéo” cho công nghiệp và xuất khẩu. “Sẽ cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi để mua máy móc nông nghiệp, vật liệu xây dựng làm nhà. Các chương trình phát không 10 triệu điện thoại, bán trả góp tivi... cũng sẽ được triển khai. Chính phủ sẽ tập trung kích cầu tiêu dùng cho thị trường nông thôn. Tuy nhiên, phải làm chắc chắn, và chú trọng kích cầu cho hàng nội”, Thủ tướng khẳng định.

Để tăng đầu tư, Chính phủ cũng sẽ kiến nghị Quốc hội cho phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, nâng tổng số tiền phát hành trái phiếu năm nay lên 64.000 tỷ đồng. Tiền trái phiếu phát hành thêm sẽ tập trung vào các dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, mà trọng tâm là xây ký túc xá cho sinh viên để phấn đấu đến 2015, sẽ có 50% sinh viên được ở ký túc xá, thay vì 17% như hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính cân đối các nguồn thu - chi để chuẩn bị cho việc tăng lương tối thiểu từ 1-5 sắp tới.

Quang Phương

Việt Nam vẫn thu hút vốn FDI

(SGGP). - Trong báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á 2009” được công bố hôm qua, 31-3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: mặc dù cũng phải chịu tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu như ở nhiều nước khác do độ mở của nền kinh tế, Việt Nam có thể vẫn đạt được tăng trưởng ở mức độ vừa phải, dự tính đạt mức 4,5% trong năm 2009 và hồi phục ở mức 6,5% trong năm 2010.

ADB cũng khẳng định, trong trung hạn, tăng trưởng GDP của Việt Nam nhiều khả năng sẽ hồi phục ở mức 7%-7,5% do dòng vốn FDI chảy vào mạnh.

* Chiều tối qua, 31-3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) tại hơn 170 quốc gia chỉ có 12 nước tăng trưởng dương; trong đó, Việt Nam tăng 3,1% trong quí 1-2009 là mức tăng khá.

B.Minh - L.Nguyên

Tin cùng chuyên mục