Tăng trưởng xanh - động lực hấp dẫn nhà đầu tư

UBND TPHCM vừa ban hành chiến lược tăng trưởng xanh trên địa bàn TP đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng xanh được xác định rõ là có hành vi tiêu dùng trong cộng đồng dân cư, cải thiện hoạt động sản xuất xanh. 
Đây cũng là chiến lược tăng trưởng bền vững mà Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương phải đẩy mạnh thực hiện. Điều đáng nói, chiến lược tăng trưởng xanh cũng đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại tham gia lĩnh vực này tại nước ta. 
Nhiều dự án “lọt mắt” nhà đầu tư ngoại
Trong đợt khảo sát “Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản năm 2017” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, có hơn 25 doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ chính thức tham gia đầu tư vào lĩnh vực cải thiện chất lượng môi trường, như đầu tư hệ thống xử lý chất thải cho nhà máy sản xuất, xử lý chất thải rắn đô thị, nước thải đô thị. Một số doanh nghiệp khác tham gia lĩnh vực thiết kế phần mềm cảnh báo phòng chống nguy cơ liên quan đến thiên tai như bão lũ, ngập lụt, sóng thần… Chính phủ Nhật Bản cũng đã có những bước chuẩn bị cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư lĩnh vực này tại Việt Nam như xây dựng những chính sách hỗ trợ ODA, chính sách hợp tác công - tư (PPP). Ngoài ra, với những doanh nghiệp tư nhân thì tùy vào nhu cầu và mức độ, lĩnh vực đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản sẽ áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt khác như trả chậm theo tiến độ hoặc theo thực tế vận hành hoặc trả theo chi phí vận hành… 
Tăng trưởng xanh - động lực hấp dẫn nhà đầu tư ảnh 1 Xử  lý chất thải rắn bảo vệ môi trường thành phố. Ảnh: CAO THĂNG
Hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã làm việc với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM để tìm hiểu quy trình tham gia đầu tư giải pháp xử lý nước thải đô thị, xử lý rác thải, hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tại các địa phương này. Gần đây nhất, Công ty cổ phần Giải pháp môi trường Kobelco (Nhật Bản) đã đề xuất với chính quyền tỉnh Đồng Nai việc đầu tư dự án mới trong lĩnh vực xử lý nước sạch. Trước đó, Kobelco đã tham gia đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp Loteco và Long Đức (Đồng Nai). Tại TPHCM, Công ty Hitachi Zosen phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM triển khai thí điểm việc xử lý chất thải rắn tái sinh năng lượng…
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu khẳng định, việc lãnh đạo TPHCM nói riêng và Chính phủ nói chung định hướng xây dựng nền kinh tế xanh đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện rõ nhất ở xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch và tái tạo, ngành điện… Đơn cử, Công ty Royal HaskoningDHV Việt Nam (Hà Lan) đã ký kết bản hợp đồng trị giá 9,5 triệu EUR với Công ty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về cung cấp giải pháp xử lý nước thải toàn diện cho Khu đô thị mới Phú Mỹ. Nhà máy dự kiến có công suất xử lý gần 30.000m3/ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2019. 
Riêng với nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc có hướng tập trung đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo. Trong đó, phải kể đến như dự án JA Solar Việt Nam (Trung Quốc), sản xuất năng lượng Mặt trời với tổng vốn đầu tư 280 triệu USD và nhà máy sản xuất điện gió Trà Vinh (giai đoạn 2) có tổng vốn đầu tư 248 triệu USD. Đây là 2 dự án trong tốp 10 dự án có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam trong năm qua. 
Ưu đãi lớn 
TS Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Môi trường, cho rằng có 2 yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường tăng trưởng xanh tại Việt Nam là lượng khách hàng tiềm năng lớn và những chính sách thắt chặt công tác kiểm soát chất lượng môi trường đã được Chính phủ cũng như các tỉnh thành ban hành trong thời gian qua. Trong khi đó, ngành dịch vụ môi trường Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên chưa đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường trong nước.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nước ta hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải; trong đó, có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan. Trong lĩnh vực xử lý nước thải, cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt, cả nước có 787 đô thị với 3.000.000m3 nước thải/ngày/đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý. Về tiềm năng đầu tư công nghệ sản xuất cũng sẽ có hiệu quả khi nước ta có hơn 500.000 cơ sở sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp hiện vẫn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, hàng năm, nước ta còn có thêm hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chưa kể, hàng trăm doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày…
Không chỉ thế, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Quan trọng hơn, Nghị định 19/2015/NĐ-CP quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên mua sắm công sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, còn có các áp lực khác tạo cơ hội thu hút đầu tư như sức ép từ nhận thức của người dân, công luận, yêu cầu của quá trình hội nhập, yêu cầu của thị trường thế giới, các cam kết quốc tế và quyết tâm cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân. 
Có thể thấy, 200.000 là số người mắc các bệnh ung thư mỗi năm tại Việt Nam do Bộ Y tế công bố. Trong đó, 75.000 người chết mỗi năm vì căn bệnh này. Nguyên nhân phần lớn là do người dân tiếp xúc phải các loại hóa chất. Điều này cho thấy mức độ ô nhiễm môi trường đã và đang tác động rất nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, cải thiện chất lượng môi trường sống để nâng cao chất lượng sống của người dân là vấn đề hết sức cấp thiết.

Tin cùng chuyên mục