Trong bối cảnh “bội thực” nguồn cung và cạnh tranh gay gắt, ngành xi măng đang đẩy mạnh xuất khẩu. Đây được xem là giải pháp hiệu quả, căn cơ về lâu dài khi quy hoạch ngành xi măng bị phá vỡ.
Cuộc đua khốc liệt
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ năm 2014 khoảng 62 - 63 triệu tấn, tăng 1,5% - 3% so với năm 2013. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 48,5 - 49 triệu tấn, dự kiến dành cho xuất khẩu khoảng 13,5 - 14 triệu tấn. Trong khi đó, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đặt mục tiêu trong năm 2014, tổng sản phẩm tiêu thụ 21 triệu tấn, sản xuất 16 - 17 triệu tấn clinker, doanh thu trên 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận 500 tỷ đồng. Nếu so với kết quả của năm 2013, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt hơn 21 triệu tấn, tăng 7,8% so với năm 2012, doanh thu đạt 30.496 tỷ đồng. Các chỉ tiêu trên đều thấp hơn, thể hiện sự thận trọng của Vicem trước cuộc đua tiêu thụ khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, nhằm kích cầu giải phóng lượng hàng tồn kho, các doanh nghiệp đang thực hiện giảm giá sản phẩm từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn, cá biệt có trường hợp như xi măng Tam Điệp đã giảm sâu hơn 140.000 đồng/tấn so với trước đó một tháng. Và để giải quyết tình trạng dư thừa xi măng trong nước như hiện nay, từ nay đến năm 2018 không được để phát sinh thêm nhà máy mới. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, những dự án nhà máy sản xuất xi măng vẫn đang được hoàn thành. Bộ Xây dựng đã đưa 9 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch. Ngoài ra, bộ cũng thực hiện giãn tiến độ 7 dự án khác có công suất trên 2.500 tấn clinker/ngày nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Dự kiến công suất xi măng toàn ngành năm nay có thể lên hơn 80 triệu tấn/năm, nhưng lượng tiêu thụ trong nước không tăng, chỉ ở mức khoảng 45 - 48 triệu tấn/năm. Hiện cả nước có hơn 100 nhà máy xi măng đang hoạt động. Chưa kể, trong năm nay, dự kiến có thêm 5 nhà máy với tổng công suất hơn 7 triệu tấn/năm đi vào hoạt động. Điều này sẽ dẫn đến “xung đột” nguồn cung cầu ngày càng tăng cao.
“Bắt tay” đẩy mạnh xuất khẩu
Trước sức ép về tiêu thụ và cạnh tranh khốc liệt, dù được nhận định không lợi bằng bán trong nước, nhưng xuất khẩu vẫn là kênh tiêu thụ được các doanh nghiệp xi măng coi trọng trong năm 2014.
Căn cứ dự báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 và các chính sách đầu tư phát triển, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng năm 2014. Năm qua, chỉ riêng Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), đơn vị chiếm 38% thị phần xi măng cả nước, cũng có một năm xuất khẩu khá thành công, với 2,3 triệu tấn bao gồm cả xi măng và clinker, nâng tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 21.608 triệu tấn, tăng 7,8% so với năm 2012. Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vicem, mục tiêu của doanh nghiệp vẫn là hiệu quả và với thực tế ngành xi măng hiện nay, xuất khẩu đang là giải pháp đáp ứng yêu cầu đó. Ông Lương Quang Khải cho biết, Vicem đã xây dựng chiến lược xuất khẩu năm 2014. Theo đó, trên cơ sở tính toán đề xuất chi tiết kế hoạch marketing, tính toán sức tiêu thụ từng vùng, lên phương án tiêu thụ, phương án tài chính... để lên kế hoạch tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong xuất khẩu xi măng, Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho rằng, có hai điểm mà các bộ, ngành và Hiệp hội Xi măng cần quan tâm. Thứ nhất, cần có cảng chuyên dùng để bốc xếp sản phẩm xi măng bảo đảm tiêu chuẩn cho tàu ít nhất 30.000 tấn trở lên. Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên vốn, thậm chí nên có cơ chế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư cảng xuất khẩu sản phẩm xi măng. Thứ hai, kết hợp tốt giữa các doanh nghiệp. Khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Bộ Xây dựng không thể can thiệp vào việc định giá bán, hay điều hành trực tiếp việc bán hàng một cách phi thị trường. Bộ đã phối hợp với Hiệp hội Xi măng để cung cấp thông tin, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, đề ra các biện pháp phù hợp nhằm tăng cường sự hợp tác của các doanh nghiệp trong xuất khẩu sản phẩm xi măng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xi măng cũng cần phải chủ động nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác vì quyền lợi và hiệu quả của chính mình trong xuất khẩu.
LẠC PHONG