Tạo bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài những giải pháp lâu nay, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. 
Giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Theo đó, các địa phương phải kết nối và lắng nghe doanh nghiệp. Hiện nhiều tỉnh, thành đã khẩn trương thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của địa phương để tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Minh bạch

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức; đặc biệt về lề lối, tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn, nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Thế nhưng, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp. Các chính sách chưa sát thực tiễn, các bộ luật còn chồng chéo lên nhau, công tác thanh tra kiểm tra còn dày và chồng chéo; khả năng tiếp cận các nguồn lực (vốn, đất đai, tài nguyên, khoáng sản…) của doanh nghiệp còn khó khăn... Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường năng lực quản trị, minh bạch tài chính để tiếp cận tốt hơn tín dụng và các cán bộ, hiệp hội cũng học khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp này. Về thủ tục, cần rà soát để giảm các thủ tục khi đăng ký doanh nghiệp nhằm giảm chi phí khởi nghiệp cho người dân.

Thuế cũng là nơi có nhiều vướng mắc nên Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng, trình dự án luật sửa đổi các luật về thuế để tháo gỡ ngay những vướng mắc cho doanh nghiệp. Việc thu thuế phải chặt chẽ, thu đúng, đủ, kịp thời đối với hộ kinh doanh lớn; chống thất thu đối với hộ khoán; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu thuế và chế độ kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Về hóa đơn, chứng từ phải điện tử hóa ngay trong năm 2018, nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh… Cơ quan thuế cũng cần công khai danh sách chi tiết 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Hỗ trợ bằng nhiều giải pháp

Không chỉ kết nối, hỗ trợ về vốn, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục, tạo bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Cụ thể, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phương pháp định giá đất và khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính nhất quán, công khai minh bạch thông tin, tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Giao Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm việc ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính đúng thẩm quyền, thực sự cần thiết, hợp lý, minh bạch và khả thi; hướng dẫn cụ thể hơn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng các loại tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, máy bay, tàu biển, các tài sản là động sản khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân trong việc thế chấp tài sản để tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giao Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua việc triển khai các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh việc đăng ký sở hữu trí tuệ, công nhận, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo trong nước.

Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở trường đại học, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư theo hướng tăng cường hậu kiểm, giảm mạnh tiền kiểm trên cơ sở ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể, dễ hiểu, dễ tuân thủ.

Ngoài ra, phải sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về tự chủ đại học công lập và đề xuất các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường đại học.

Tin cùng chuyên mục