Động lực hỗ trợ tăng trưởng
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng khá, hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao, trên 10%. Đáng chú ý, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành này trong các tháng tiếp theo. Tương tự, ngành dệt may và da giày dự báo sẽ có đơn hàng ổn định đến hết năm, tuy có suy giảm. Cùng với đó, trong những tháng đầu năm 2019, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh là cơ sở để kỳ vọng hoạt động sản xuất, xuất khẩu sẽ có những bứt phá trong những tháng tới.
Dẫn chứng từ TPHCM, Sở Công thương TP cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 7 tháng qua vẫn duy trì mức tăng tương đối ổn định, góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách, tăng trưởng xuất khẩu của TP. Cụ thể, tổng thu ngân sách 7 tháng là 229.815 tỷ đồng, đạt 57,6% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP tại các cửa khẩu trên cả nước đạt hơn 23.259 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. “Để đạt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp đề ra trong năm 2019 là 8,1%, ngành công thương TPHCM sẽ thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm”, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên cho biết.
Trong khi đó, Bộ Công thương cho hay, sau thời gian bị sự cố, đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức vận hành trở lại các phân xưởng sản xuất. Đây sẽ là nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng ngành công nghiệp và thu ngân sách những tháng tiếp theo. Với ngành thép sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, động lực là một số dự án thép phía Bắc, miền Trung sẽ đưa vào vận hành với công suất khoảng 10 triệu tấn/năm. Công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá vẫn giữ vai trò động lực chính của tăng trưởng. Vì vậy, trong những tháng cuối năm, các bộ ngành tiếp tục tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án FDI đăng ký mới trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. “Trong bối cảnh có nhiều thách thức do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xu thế bảo hộ thương mại, cần tập trung thực hiện các giải pháp duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN... Kịp thời hóa giải những nguy cơ dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Việt Nam với các thị trường lớn”, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.
Dư địa xuất khẩu bị co hẹp
Tại buổi làm việc với các bộ ngành liên quan mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thông tin, hiện Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ lớn trong điều hành và phát triển xuất khẩu bền vững, dư địa đang bị co hẹp. Dù Việt Nam đã cố gắng đa phương hóa, đa dạng hóa nhưng xuất nhập khẩu vẫn đang phụ thuộc vào một số thị trường, một số mặt hàng trọng điểm, do đó khi thị trường điều chỉnh chính sách lập tức bị ảnh hưởng. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2019, các bộ ngành cần chủ động nghiên cứu trong công tác phối hợp để xây dựng các kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu trong các tháng còn lại ở các thị trường và ngành hàng. Cùng với đó, Cục Xuất nhập khẩu phải phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại, các bộ ngành, đánh giá lại và lựa chọn những nhóm hàng có nguy cơ liên đới vào những tranh chấp thương mại, từ đó có những giải pháp đảm bảo sự phát triển phù hợp với quy định.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong những tháng cuối năm với một số công trình, dự án lớn, một số cơ sở công nghiệp chế biến, chế tạo được đưa vào hoạt động sẽ mở rộng năng lực sản xuất, xuất khẩu và sẽ có những đóng góp nhất định vào tăng trưởng chung. Do đó, nhiệm vụ lớn trong những tháng cuối năm là theo dõi diễn biến việc cạnh tranh thương mại đã và sẽ có tác động rất mạnh đến các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình như thị trường Trung Quốc.
Qua đó, tập trung các giải pháp để khơi thông các thị trường này, không chỉ mở rộng mặt hàng xuất khẩu chính ngạch (hiện có 8 mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc) mà cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ mở cửa thị trường, mặt khác đẩy nhanh tiến trình phối hợp với phía Trung Quốc để cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Bên canh đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì và phát triển, mở rộng hoạt động giao thương với các thị trường xuất khẩu đang phát triển tích cực, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do.