Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương-TPP
Lỡ hẹn trong năm 2013, Việt Nam tiếp tục nỗ lực các cuộc đàm phán cuối cùng nhằm đạt được việc ký kết hiệp ước TPP trong quý 1-2014. Quá trình tham gia TPP của Việt Nam sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Chuyên trang Xúc tiến Công nghiệp - Thương mại Báo SGGP lược đăng một số ý kiến của các chuyên gia đánh giá, nhận định sâu về hiệp định này. Mở đầu là bài viết của TS-LS Nguyễn Đăng Liêm, Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM - Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT Gia Định.
Không có ngoại lệ
TPP (Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương - Trans Pacific Partnership) là một Hiệp định thương mại đa phương, hiện có 12 nước tham gia đàm phán, trong đó có các nền kinh tế lớn của thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia. TPP được hình thành qua đàm phán sẽ hình thành khu vực kinh tế với hơn 790 triệu dân, đóng góp 40% GDP và chiếm lĩnh 1/3 thương mại toàn cầu. TPP là hiệp định khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư với phạm vi rộng nhất, bao gồm cả thương mại truyền thống, thương mại mới và những thách thức của thế kỷ 21.
Đến nay, đã có 19 phiên họp đàm phán giữa 12 nước đối tác, trong đó có Việt Nam. Các nội dung đàm phán hợp tác có phạm vi rất rộng và khá toàn diện, bao trùm cả những vấn đề thương mại có tính truyền thông như: thuế quan, dịch vụ tài chính, đầu tư. Ngoài ra, còn bao gồm nhiều vấn đề khá quan trọng khác như: vấn đề xuất xứ hàng hóa, vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề môi trường lao động và các chính sách liên quan, doanh nghiệp nhà nước, việc mua sắm của chính phủ và cả vấn đề chống tham nhũng. Các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là một hiệp định tự do thương mại có nội dung toàn diện theo cơ chế mở và bình đẳng cho tất cả nền kinh tế ở các trình độ phát triển khác nhau không có chính sách ưu đãi đặc biệt, ngoại lệ cho bất cứ nền kinh tế thành viên tham gia đàm phán nào.
TPP mở ra cơ hội mới của thế kỷ 21 và tạo nhiều điều kiện cho hàng hóa của các nước thành viên tham gia hợp tác và thâm nhập vào thị trường lẫn nhau theo hướng mở cửa rộng rãi và miễn thuế. Không có hạn chế nào nữa về hoạt động đầu tư và dịch vụ. Hiệp định này cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho cả người lao động và doanh nghiệp các nước liên quan, góp phần tác động đến lợi ích của cả người tiêu dùng, hướng đến nâng cao được thu nhập, đời sống và cải thiện phúc lợi cho các nước tham gia. Chắc chắn Hiệp định đàm phán thành công sẽ mở ra nhiều hứa hẹn, lẽ dĩ nhiên cũng kèm theo những thách thức nhất định.
Tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu
Hiện nay, Việt Nam là một trong 12 nước đang trong quá trình đàm phán gia nhập TPP và đang ở vòng đàm phán thứ 19. Những cơ hội, nếu được, đem đến cho Việt Nam cũng khá nhiều, song các thách thức cũng không ít. Nếu đàm phán thành công để có thể kịp thời kết thúc các cuộc họp đàm phán và tiến hành ký kết, thì với việc tham gia TPP, Việt Nam sẽ hy vọng gặt hái được các lợi ích tương đối lớn (nếu có bản lĩnh và chủ động cạnh tranh trong hợp tác).
Cụ thể, Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ còn khá thấp sẽ có cơ hội tăng cường phát triển mạnh hơn và hy vọng GDP của nước ta sẽ tăng cao nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu trong nội bộ khối, nhất là thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản (các chuyên gia dự kiến GDP của Việt Nam sẽ tăng lên đến 26 tỷ USD, thậm chí đến 37 tỷ USD). Mục tiêu lớn về xuất khẩu Việt Nam chắc chắn sẽ được khơi thông mở rộng vào các nước thành viên TPP (trừ một số nhóm mặt hàng có quy định lộ trình), đặc biệt là các mặt hàng dệt may, giày da, đồ gỗ dễ dàng xâm nhập vào các thị trường lớn của nội khối TPP. Ví dụ, điển hình như hiện nay các mặt hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ phải chịu thuế suất 7%, giày da thuế suất 12%, thì khi trở thành thành viên của TPP các thuế suất này sẽ hạ xuống 0%, rất có lợi.
Bên cạnh đó, thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi Việt Nam đã đạt 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% kim ngạch nhập khẩu, với việc gia nhập TPP các kim ngạch này sẽ có điều kiện tăng nhanh. Việc gia nhập TPP, các sản phẩm ngoài giày da, may mặc, thủy sản, đồ gỗ kể cả mặt hàng gạo cũng bảo đảm được lợi thế, vì 3 đối thủ cạnh tranh hiện nay là Thái Lan, Ấn Độ (về gạo), Trung Quốc (các mặt hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp nhẹ) hiện chưa có chân trong TPP.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam khi đàm phán thành công và chính thức gia nhập TPP, thì ngoài các cơ hội lớn nói trên cũng phải đối đầu với những thử thách không nhỏ. Bởi trên thực tế, trình độ phát triển trong nội khối 12 nước có hy vọng hình thành quá so le (asymmetrical bunch), mà Việt Nam đứng ở cuối bảng. Ngoài ra, thách thức đau đầu đối với Việt Nam là vì đây là một “sân chơi bình đẳng” về cạnh tranh không có bất cứ sự ưu ái chiếu cố nào (như khi Việt Nam tham gia WTO), nhất là khi Việt Nam vẫn còn những đứa con cưng “doanh nghiệp nhà nước” chiếm đến 60% tín dụng, 70% ODA, còn được nhà nước chịu đựng giùm khi bị thua lỗ, thất thoát vốn. Chuyên gia David Brown gọi sự bình đẳng không có ngoại lệ này như không có bữa ăn trưa miễn phí (no free lunch) cho bất cứ ai. Vì vậy, mà Quốc hội Hoa Kỳ có vẻ ngần ngừ, không mấy mặn mà về việc Việt Nam tham gia TPP.
Những tồn tại khó khăn, thử thách trên đặt ra yêu cầu Việt Nam phải quyết tâm cao, thể hiện bản lĩnh chủ động cả quá trình đàm phán và tham gia chính thức TPP. Nói chung, hầu hết các chuyên gia cả trong và ngoài nước đều có quan điểm ủng hộ Việt Nam mạnh dạn tham gia TPP để tiếp tục phát huy thế mạnh, nâng tầm hội nhập cạnh tranh một cách chủ động, hiệu quả tốt nhất cho Việt Nam.
LẠC PHONG (ghi)