Tạo cơ hội tiếp cận thuốc Việt

Sau loạt bài “Người Việt dùng thuốc Việt” đăng trên Báo SGGP số ra các ngày 15 và 16-4-2011, nhiều ý kiến tâm huyết để người dân có cơ hội sử dụng thuốc Việt với giá cả hợp lý, giảm chi phí điều trị đã được gửi tới Báo SGGP.
Tạo cơ hội tiếp cận thuốc Việt

Sau loạt bài “Người Việt dùng thuốc Việt” đăng trên Báo SGGP số ra các ngày 15 và 16-4-2011, nhiều ý kiến tâm huyết để người dân có cơ hội sử dụng thuốc Việt với giá cả hợp lý, giảm chi phí điều trị đã được gửi tới Báo SGGP.

  • PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM):
    Củng cố lòng tin của bác sĩ

Trong công tác quản lý, Sở Y tế TPHCM luôn cổ động dùng thuốc Việt nhưng vẫn chưa thấm, nay phải làm mạnh hơn. Sắp tới, Sở Y tế TPHCM tổ chức hội nghị - triển lãm thuốc Việt, tổ chức các tọa đàm, tham quan nhà máy sản xuất thuốc nội cho bác sĩ điều trị để củng cố lòng tin vào thuốc nội.

TPHCM hiện có 20 nhà máy sản xuất thuốc đều đạt chuẩn Thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP-WHO) và Bình Dương cũng có hàng chục nhà máy sản xuất thuốc tương tự, vậy tại sao phải dùng thuốc ngoại trong khi thuốc nội vừa chất lượng vừa rẻ.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp dược phẩm trong nước cũng thừa nhận, hiện rất khó xoay chuyển ý thức của người dân và các bác sĩ điều trị. Với vị trí Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, tôi đã nêu ý kiến trong các buổi họp của Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM là cần nêu cao tinh thần dùng thuốc Việt ngay chính trong mỗi đơn thuốc.

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc trên đường Cống Quỳnh, Q1 TPHCM. Ảnh: Tg. LÂM

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc trên đường Cống Quỳnh, Q1 TPHCM. Ảnh: Tg. LÂM

  • Dược sĩ Trần Việt Trung (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm-Dược liệu Pharmedic):
    Cùng sân chơi nhưng thuốc nội thua thiệt

Hiện nay, hầu hết thuốc nội đều bị hạn chế quảng cáo, tiếp thị. Theo quy định, chi phí dành cho quảng cáo thuốc nội không vượt quá 10% doanh thu, trong khi muốn quảng cáo trên truyền hình, báo, giá không hề rẻ. Ngược lại, đối với thuốc ngoại nhập lại được cho quảng cáo, tiếp thị thoải mái nên lợi thế hơn. Rõ ràng, cùng một sân chơi mà thuốc nội đã thua thiệt.

Trong cơn bão giá hiện nay, việc vận động “Người Việt dùng thuốc Việt” là rất phù hợp để nhiều người bệnh được sử dụng thuốc sản xuất trong nước đạt chất lượng, vừa giảm chi phí điều trị vừa góp phần thúc đẩy ngành dược trong nước phát triển.

  • Ông Phạm Trung Nghĩa (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm):
    Bình đẳng đấu thầu thuốc

Sản phẩm của Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm đã tung ra thị trường hơn 1 năm nay và được đánh giá khá tốt, nhưng mỗi lần đấu thầu vào bệnh viện lại bị cạnh tranh không công bằng. Các bệnh viện khi tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc thường chia làm 3 “rổ”: thuốc nhập ngoại, thuốc liên doanh và thuốc sản xuất trong nước. Trong 3 cái “rổ” ấy, các loại thuốc nhập ngoại luôn được ưu tiên, kế đến là thuốc liên doanh và sau cùng mới tới thuốc nội.

Tại sao lại có sự bất bình đẳng như vậy? Tại sao không đưa chung vào một “rổ” và của ai tốt, chất lượng, giá rẻ hơn thì trúng thầu? Việc đấu thầu, cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập. Thế nhưng thực tế cho thấy, thông tư này đã bộc lộ không ít bất cập tạo ra những kẽ hở tiêu cực và bất bình đẳng cho người bệnh, doanh nghiệp dược, dẫn đến mỗi nơi đấu thầu mỗi kiểu khiến giá thuốc vô cùng bất hợp lý.

  • Bác sĩ Nguyễn Đại Biên (Trưởng khoa Khám BV Nhân dân 115, TPHCM):
    Đừng nghĩ thuốc ngoại đều tốt

Lâu nay nhiều người nghĩ bác sĩ kê thuốc ngoại để ăn “hoa hồng”. Có thể như vậy thật nhưng không phải tuyệt đối. Vẫn còn nhiều bác sĩ có lương tâm và trách nhiệm. Nhiều người thắc mắc, sao kê toa thuốc ngoại đắt tiền, nhưng đó là thuốc trị đúng bệnh mà trong nước chưa có hoặc hiệu quả gấp nhiều lần thuốc nội. Quan điểm của bác sĩ là sử dụng thuốc hiệu quả để trị dứt bệnh nên những loại thuốc tốt, chất lượng và đã cho kết quả điều trị tốt luôn được ưu tiên.

Tuy nhiên, trong những trường hợp cùng trị một loại bệnh mà cả thuốc nội và thuốc ngoại đều có hiệu quả ngang nhau, tôi nghĩ nhiều bác sĩ nên kê thuốc nội. Tâm lý của nhiều người bệnh muốn kê thuốc ngoại cho tốt nhưng nếu bác sĩ chỉ định, kê đơn thuốc nội thì họ cũng phải mua uống và đừng nghĩ thuốc ngoại nào cũng tốt.

  • Dược sĩ Lâm Viễn Phương (Phụ trách nhà thuốc ECO Pharmacy 397 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM):
    Không kê tên thuốc thương mại

Hiện hơn 2/3 số thuốc người dân sử dụng đều được bác sĩ kê toa. Đây là một kênh tiêu thụ thuốc rất quan trọng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh mà tác động lớn đến chính sách về giá cả và sử dụng thuốc. Một kênh khác là thị trường thuốc không kê đơn (OTC) tập trung chủ yếu các loại thuốc thiết yếu trị các bệnh thông thường. Đối với bác sĩ, cần bắt buộc kê thuốc gốc (tức tên thuốc gốc, không phải tên thương mại) để tránh tình trạng các hiệu thuốc bán thuốc ngoại mà bỏ qua thuốc nội. Hơn nữa, chính các nhà thuốc cũng góp phần rất quan trọng.

Đa phần người bệnh muốn được mua thuốc tốt và không ít người thích xài thuốc ngoại. Tuy nhiên, khi nhà thuốc giải thích cho người bệnh hiểu có những loại thuốc nội chất lượng tương đương mà giá rẻ hơn. Chẳng hạn đều cùng công thức nhưng Panadol của Úc có giá hơn 1.000 đồng/viên, của Việt Nam chỉ 100 đồng/viên, thuốc bổ Homtamingingsen của Hàn Quốc tới 1.500 đồng/viên nhưng của Việt Nam là 700 đồng/viên. Nếu nhà thuốc nào cũng tư vấn tốt cho người bệnh sẽ giảm được chi phí cho người bệnh và thúc đẩy thị trường thuốc nội phát triển. 

TƯỜNG LÂM (ghi)

- Thông tin liên quan:

>> Người Việt dùng thuốc Việt

Tin cùng chuyên mục