Tạo đà cho phát triển kinh tế năm 2018

Năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,7%) và là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2011 - 2017. Kết quả này rất đáng ghi nhận khi quý 1 và 2 tốc độ tăng trưởng thấp (lần lượt 5,15% và 6,28%).
Kết thúc năm 2017, nền tảng vĩ mô tiếp tục được thiết lập vững chắc: lạm phát bình quân tăng 3,53% so với bình quân năm 2016 (năm thứ 4 liên tiếp dưới 5%); niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài được củng số khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ODA đăng ký và giải ngân tiếp tục tăng mạnh (trong đó, vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 29,7 tỷ USD, tăng 44,2% so với năm 2016 và vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%); cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 51,5 tỷ USD; nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát…
Toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra đã hoàn thành và vượt. Đây là một thành công lớn của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. 
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, Việt Nam đã tăng 14 bậc từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế; còn chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 hạng, từ 60 lên 55/137… Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những chỉ số rất ấn tượng về thành lập doanh nghiệp mới, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán… cho thấy niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư vào kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố. 
Năm 2018, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, triển vọng kinh tế tiếp tục thuận lợi khi kinh tế thế giới được dự báo tăng cao hơn năm 2017, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Đầu tư toàn cầu sẽ tăng cao hơn so với năm 2017 và tiếp tục đổ vào khối các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhờ vào những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính thời gian gần đây. Khu vực tư nhân vẫn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2018. 
Tuy nhiên, kinh tế thế giới cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, đáng kể là ảnh hưởng từ một số hiện tượng bảo hộ thương mại với Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dù đã kết thúc đàm phán, dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2018 nhưng đến nay chưa có động thái. EU vẫn còn nhiều suy tính trước một hiệp định EVFTA đứng đơn lẻ mà không có TPP với sự tham gia của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, xu thế bảo hộ và chính sách thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam.
Còn trong nước, theo lãnh đạo Chính phủ, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại như: tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững; năng suất lao động còn thấp; tính kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI còn nhiều hạn chế, thủ tục hành chính còn gây phiền hà, nền kinh tế chưa sẵn sàng với công nghiệp cách mạng 4.0... Trong khi đó, năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% (Quốc hội giao 6,5% - 6,7%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% - 10% (Quốc hội giao tăng 7% - 8%); tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 41%; hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,2%; năng suất lao động tăng 5,9%... Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Chính phủ đã dự thảo nghị quyết với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, các biện pháp đi cùng đáng chú ý là: phấn đấu giảm lãi suất cho vay; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối; tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT; tập trung cải cách thủ tục hành chính; tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Để triển khai kế hoạch năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế.
Kinh tế Việt Nam 2017 đã đạt được những kết quả rất tích cực và tạo đà rất tốt cho năm 2018. Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế vẫn còn đó đòi hỏi sự quyết tâm, sự quyết liệt trong điều hành để thay đổi, hoàn thành những mục tiêu nêu trên. Điều này tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhằm tiếp tục củng cố niềm tin với người dân, doanh nghiệp để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021.

Tin cùng chuyên mục