Tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ

Giám sát và phản biện xã hội được coi là công cụ quan trọng của MTTQ Việt Nam nhằm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Ông Ngô Sách Thực
Ông Ngô Sách Thực

Trong năm 2018, MTTQ Việt Nam sẽ giám sát và phản biện xã hội như thế nào? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về vấn đề này.

* Phóng viên: Thưa ông, giám sát, phản biện xã hội được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là nhiệm vụ “mới và khó” với MTTQ. Vậy MTTQ Việt Nam có sự chuyển biến nào khi thực hiện nhiệm vụ này?

- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam NGÔ SÁCH THỰC: Nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mới có 3 năm tuổi. Nhiệm vụ này được khẳng định trong Quyết định 217, Quyết định 218 năm 2013 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam và các quy định liên quan. Đây là cơ sở pháp lý, là điều kiện để hệ thống MTTQ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Tôi rất mừng là thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn đến công tác giám sát, phản biện xã hội. Các nội dung sau giám sát được Chính phủ (trực tiếp là Thủ tướng và các Phó Thủ tướng), kịp thời chỉ đạo cơ quan tham mưu có văn bản phúc đáp. Các cấp ủy, chính quyền đã rất quan tâm và có quy định về tiếp thu ý kiến của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội.

Kết quả giám sát và phản biện xã hội cũng có sự chuyển biến sâu sắc hơn. Nội dung giám sát, nhất là những nội dung liên quan đến cơ chế chính sách, những yếu tố liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, những vấn đề “nóng” mà nhân dân bức xúc, quan tâm… khi chỉ ra các hạn chế, bất cập thì cơ quan chức năng đã tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Từ đó, việc giám sát và phản biện xã hội ngày càng được nhân dân quan tâm theo dõi, đồng tình ủng hộ; góp phần làm cho nhân dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Bước đầu, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã huy động được rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, người có uy tín, kinh nghiệm giám sát, phản biện. Những ý kiến đóng góp sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý… góp phần làm cho công tác giám sát, phản biện xã hội có chất lượng.

Bên cạnh những mặt chuyển biến, cũng phải thừa nhận rằng đây là nhiệm vụ mới mẻ. Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khó khăn lớn nhất là nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong các cấp, ngành và nhân dân còn khác nhau. Điều đó nảy ra những vướng mắc, khó khăn và hiệu quả chưa cao; việc theo dõi, thực hiện kiến nghị sau giám sát vẫn chưa đáp ứng được mong muốn. Bản thân cán bộ MTTQ, các đoàn thể làm công tác giám sát, phản biện xã hội cũng còn hạn chế về năng lực, trình độ, kinh nghiệm. Một bộ phận cán bộ làm công tác phản biện xã hội còn có tâm lý ngại va phạm, không dám nêu chính kiến.

* Nhiều sai phạm, nhiều vụ án phức tạp về tham nhũng, lãng phí đã xảy ra và khi “bể” ra, dư luận đều chung một thắc mắc: công tác giám sát thế nào mà vẫn xảy ra các vụ như vậy?

- Trong giám sát, có giám sát của cơ quan quyền lực là Quốc hội, HĐND và đại biểu dân cử; giám sát cấp ủy; giám sát của MTTQ là giám sát mang tính xã hội. Khi xảy ra các vụ vi phạm, nhân dân bức xúc là MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ở đó mà chưa nắm cụ thể, thì chúng tôi cũng nhận thấy rằng mình cũng có khuyết điểm là chưa sâu sát nắm bắt kịp thời ý kiến, nguyện vọng của người dân để phản ánh đến cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời, qua đó, đòi hỏi nâng cao trách nhiệm, trình độ của đội ngũ giám sát, làm sao chúng ta phải nắm được và phải phân tích được nguyên nhân của các việc đó. Có như vậy thì đề xuất của mình có sức nặng, hiệu quả tốt hơn.

* Một trọng tâm trong hoạt động của MTTQ từ nay đến năm 2020 là tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí. Vậy MTTQ sử dụng công cụ giám sát, phản biện xã hội như thế nào để làm tốt nhiệm vụ trọng tâm?

- Giám sát và phản biện xã hội là công cụ quan trọng để MTTQ Việt Nam tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí. Việc quan trọng là tham gia xây dựng thể chế, giám sát, phản biện nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật để phòng chống tham nhũng. Việc này mang tính phòng ngừa, góp phần hạn chế những “kẽ hở” về chính sách, quy định có thể bị lợi dụng để tham nhũng.

Đồng thời, MTTQ đa dạng các hình thức để người dân tham gia chủ động, tích cực và có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức viên chức; theo dõi, phát hiện và tố giác hành vi tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu của cán bộ.

* Thưa ông, MTTQ vận động người dân giám sát, lên tiếng về tham nhũng, song nhiều khi những tâm huyết, những tố cáo của người dân lại… rơi tõm đi đâu mất, không biết kết quả. Trước tình trạng này, MTTQ sẽ đeo bám việc xử lý ra sao, sẽ trả lời kết quả với dân thế nào?

- Khi người dân phát hiện dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và phản ánh, tố giác với MTTQ thì MTTQ phải chuyển tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đặc biệt, MTTQ phải đeo bám, đôn đốc, đi đến tận cùng nhằm đảm bảo sự tố giác đó được xem xét, xử lý. Kết quả là có hay không có tham nhũng? Nếu có, thì cơ quan chức năng phải trả lời MTTQ và công khai cho người dân biết việc xử lý thế nào? Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có cơ chế thật sự hiệu quả, tin cậy để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế khen thưởng để động viên, khuyến khích người dũng cảm tố cáo.

* Không ít cán bộ có nhà cửa, xe cộ, tài sản “khủng” và những biểu hiện đó không qua mắt được nhân dân. Bằng cách nào có thể phát huy được cơ chế giám sát ở cơ sở, thưa ông?

- Trước tiên cần thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những điều này đã được quy định rất rõ ràng, nhưng việc tổ chức thực hiện còn chưa đầy đủ. Điều cần thiết là làm sao cho các cấp, các ngành phải thực hiện đúng quy định đó. Song song đó, phải phát huy hiệu quả của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Đây là những hình thức giám sát có tổ chức của nhân dân, tức là nhân dân tự nguyện theo dõi, đánh giá một cách có tổ chức việc chấp hành quy định pháp luật của các đối tượng bị giám sát. Năm qua, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), tại xã, thôn; những vi phạm về đất đai, về môi trường; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư… Qua giám sát, không chỉ giúp cơ quan chức năng xử lý nhiều cán bộ vi phạm, thu về cho ngân sách hàng chục tỷ đồng, hàng trăm ngàn mét vuông đất, mà còn giúp chính quyền khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý. Tôi cho rằng cần phải bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng để giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu.

Tin cùng chuyên mục