Tạo giá trị vững bền cho mai sau

Những ngày Tết Quý Mão 2023, không gian tết xưa tại nhiều địa phương được người dân và du khách tìm về. Vui chơi, giải trí ngày tết, không chỉ là đường hoa, hội hoa xuân hay pháo bông rực trời mà giữa những điều hiện đại, mới mẻ, hoài niệm vẫn còn nguyên giá trị.

Xin chữ, ước nguyện và gửi gắm niềm tin…

Với mong muốn được cảm nhận không khí đón xuân ở miền Bắc, được trải nghiệm cảm xúc đặc biệt khi ngồi trước nghiên mực tàu - giấy đỏ trong “Phố ông đồ” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nghệ sĩ thư pháp Huỳnh Mỹ Lý, từ TPHCM, tuổi 70 vẫn quyết ứng tuyển để trở thành 1 trong 50 ông đồ có mặt trong Hội Chữ Xuân năm nay. “Bà đồ” Huỳnh Mỹ Lý chia sẻ, hơn 20 năm bén duyên với thư pháp, mong muốn tham gia Hội Chữ Xuân ở Hà Nội nhiều lần nhưng mãi đến nay mới quyết định tham gia. Quyết định xa gia đình, xa TPHCM vào những ngày đầu năm mới với người phụ nữ 70 tuổi chắc hẳn là chuyện không dễ dàng. “Bà đồ” Huỳnh Mỹ Lý nói: “Nếu ở TPHCM, đến với hội chữ phần đông là các bạn trẻ thì ở Hà Nội, các gia đình, thậm chí đại gia đình nhiều thế hệ cùng nhau đi xin chữ đầu năm vừa là du xuân, vừa để gửi gắm niềm tin vào những điều tốt đẹp, hanh thông của năm mới”.

Nghệ sĩ thư pháp Huỳnh Mỹ Lý với các bạn trẻ đến xin chữ đầu năm. Ảnh: MAI AN

Nghệ sĩ thư pháp Huỳnh Mỹ Lý với các bạn trẻ đến xin chữ đầu năm. Ảnh: MAI AN

Cũng đến từ TPHCM, nghệ sĩ thư pháp Lưu Thanh Hải, Chủ nhiệm CLB Thư pháp đầu tiên của Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM lần đầu tiên đón tết ở Hà Nội. Anh hào hứng cho biết: “Người lớn tuổi, thanh niên, con trẻ… mỗi người đến xin chữ đều mang theo bao tâm tư, ước nguyện, bởi vậy các ông đồ không chỉ cho chữ mà còn lắng nghe tâm sự, giãi bày, được sẻ chia, truyền thêm cảm hứng, niềm lạc quan tin tưởng trong năm mới”.

Tại TPHCM, không gian xin chữ đầu năm tại các khu vực lễ hội hay công cộng luôn tập trung nhiều người trẻ. Không phải là phong trào cho vui, mà như bạn Thanh Trung (23 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) xin chữ đầu năm tại Lễ hội Tết Việt Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, nói với chúng tôi, bạn tìm đến đây để được tiếp thêm cảm hứng cho một năm mới, qua con chữ, lời dạy từ các bậc cao nhân…

Những vẻ đẹp rất riêng

Ngày tết, nếp sống, phong tục tập quán được người dân ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) cố gắng gìn giữ. Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phố cổ Hội An đón một cái tết rộn ràng với lượng khách du lịch đổ về rất lớn. Từ trước đó, TP Hội An đã thông báo hoạt động dành cho người đi bộ và xe không động cơ sớm hơn mọi năm. Do đó, người dân phố Hội cũng điều chỉnh thời gian thực hiện các nghi lễ truyền thống dịp tết sớm hơn để đón khách du xuân.

Bà Diệp Ái Phương (thế hệ thứ 7 sống tại nhà cổ Quân Thăng trên đường Trần Phú) chia sẻ, ngôi nhà hiện tại vẫn là nơi sinh hoạt và thờ tự của gia đình nên phong tục, lễ nghi đều được gìn giữ. Trong ngày tất niên hay mùng 1 đến mùng 3, gia đình đều cúng bái để tưởng nhớ ông bà tổ tiên và truyền lại các lễ nghi cho thế hệ sau. “Năm nay, thành phố cho phép đón khách trở lại vào mùng 3 tết nên gia đình tôi cúng sớm hơn. Bên phía lữ hành thông báo có đoàn khách nước ngoài đi bằng tàu biển đến Đà Nẵng, sẽ ghé tham quan nên mình mở cửa sớm hơn mọi năm. Chúng tôi cúng vào buổi sáng, khi các lễ nghi xong xuôi du khách mới đến, việc cúng bái và đón du khách đều thuận lợi”, bà Phương cho hay.

Phố cổ Hội An không chỉ có những ngôi nhà gỗ, mái ngói âm dương… mà còn có nhiều “bảo tàng sống”, là chủ nhân thực sự của di sản. Khi nhu cầu khách tham quan, du lịch ngày một lớn, người dân phố cổ phải tự đấu tranh để hài hòa nhu cầu cá nhân hiện đại khi sống trong những căn nhà hơn trăm năm tuổi và giữ lại nét văn hóa xưa.

Giữ nét tết xưa là điều mà nhiều địa phương trong cả nước nỗ lực thực hiện những ngày tết này. UBND quận 1 (TPHCM) có cuộc thi “Góc phố ngày Tết”, khuyến khích người dân trang trí các khu vực công cộng quanh nơi mình sống đón xuân. Hay huyện ngoại thành Bình Chánh với 11 điểm hội hoa, chợ hoa, đường hoa, nhiều xã cũng tranh thủ các tuyến đường đẹp bày tiểu cảnh tết xưa. Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Long (xã Qui Đức, huyện Bình Chánh), các tiểu cảnh nấu bánh tét đêm giao thừa, nấu rượu mừng xuân, nhà xưa liếp tre - vách lá… thu hút nhiều người dân ghé lại chụp hình. “Thấy quê mình đẹp, mình tự hào lắm chứ. Mọi người trang trí theo kiểu tết xưa, nhà quê cũng phù hợp với huyện ngoại thành, gần gũi như nếp sống mỗi ngày của người dân khi tốc độ đô thị hóa còn chậm”, chị Ngô Thị Thanh Lan (28 tuổi, ngụ ấp 4, xã Qui Đức) chia sẻ.

Đầu năm, văn hóa giải trí không chỉ có những thứ hiện đại, mà trên dải đất hình chữ S tết này, có một ước vọng cho mai sau. Đó là dựa vào giá trị cũ, tạo lập những thành tựu mới vững bền.

Tại sao phải nói về linh vật?

Năm nay, diễn đàn nào cũng thấy người dân nói về linh vật, những chú mèo xinh xắn ở các đường hoa, không gian công cộng khắp cả nước bỗng chốc thành điểm “check-in” được quan tâm hàng đầu... Sau hơn 10 ngày “trình làng”, biểu tượng linh vật năm Quý Mão 2023 ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) thu hút hàng vạn du khách và người dân đến tham quan, chụp ảnh. Chị Hồ Thị Linh (25 tuổi, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) chạy xe hơn 70km, cố chen chân vào gần tượng linh vật mới có bức ảnh kỷ niệm. Chị nói: “Linh vật gây sốt trên mạng xã hội nên tôi rất tò mò, khi về quê phải đến tận nơi. Nhìn trực tiếp đẹp hơn rất nhiều, tôi rất tự hào về chú mèo linh vật trên quê hương mình”.

Không chỉ có mèo linh vật ở Quảng Trị mà ở khắp nơi, những chú mèo cũng là mục tiêu mà người dân và du khách tìm đến. Cơn mưa chiều mùng 3 vừa ngớt, trên mạng xã hội, các bạn trẻ đã í ới hỏi nhau: “Hai chú mèo Đường hoa Nguyễn Huệ sao rồi? Có bị ướt không? Thương lắm nè”. Bởi vậy, chỉ cần mấy chú mèo linh vật cũng tạo nên những cơn sóng trên mạng xã hội để người dân tìm về, như một nét đẹp ngày xuân.

NGUYỄN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục