Tạo hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư

Các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt vùng ĐBSCL cần nâng tầm liên kết vùng để đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời tiếp tục củng cố các điểm mạnh nhằm biến vùng này trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu nêu ra tại hội nghị “Giới thiệu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL 2014” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây tại TPHCM.
Tạo hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư

Các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt vùng ĐBSCL cần nâng tầm liên kết vùng để đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời tiếp tục củng cố các điểm mạnh nhằm biến vùng này trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu nêu ra tại hội nghị “Giới thiệu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL 2014” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây tại TPHCM.

Nhiều lợi thế

Năm 2013, vốn FDI đổ vào Việt Nam từ khắp thế giới tăng 36%, trong đó có đến 26% từ Nhật. Nhiều năm qua, dòng đầu tư từ Nhật thường ở vị trí dẫn đầu trong tổng đầu tư của các nước vào Việt Nam. Tính đến cuối năm 2012, mặc dù chịu ảnh hưởng của việc đồng yên giảm giá đến 25% do biến động tỷ giá hối đoái, nhưng dòng đầu tư từ Nhật vào Việt Nam vẫn vượt xa các nước khác với 500 dự án đầu tư mới hoặc mở rộng, tổng vốn của số dự án đầu tư được duyệt lên đến 5,8 tỷ USD. Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nước này chiếm vị trí cao nhất với 85% tổng vốn đầu tư, vượt xa các ngành khác. Gần đây, dòng đầu tư vào các ngành dịch vụ như bán lẻ, phân phối và công nghệ thông tin cũng đang phát triển mạnh, được xem như là một xu hướng mới của các nhà đầu tư Nhật.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM nhấn mạnh, xu hướng đầu tư này vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới, đặc biệt là ngành nông nghiệp và thủy sản sẽ được chú ý nhiều hơn thông qua những hoạt động liên kết thương mại và những dự án đầu tư lớn. “Tôi cảm nhận rằng các công ty Nhật đang tiếp cận từng bước, tiến tới hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho các dự án đầu tư của Nhật ở Việt Nam và từ đó thiết lập được mối quan hệ lâu dài vì sự phát triển bền vững giữa hai bên”, ông Yasuzumi Hirotaka nói.

Hiện nay cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài của vùng ĐBSCL là rất lớn với nhiều thế mạnh vốn có là các mặt hàng nông thủy sản đa dạng và dồi dào, giá đất, nhân công rẻ, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông đang được cải thiện và đầu tư mạnh; đặc biệt, hệ thống giao thông đường thủy của vùng là một lợi thế riêng có, có nhiều trục đường kết nối với TPHCM và giao thông giữa các tỉnh trong vùng cũng tương đối thuận tiện và dễ dàng. Lĩnh vực đầu tư hứa hẹn nhất cho vùng ở thời điểm hiện tại là công nghiệp chế biến, đây là ngành sẽ tận dụng tối đa lợi thế về các mặt hàng nông thủy sản của vùng như gạo, trái cây, tôm, cá…

Gỡ khó cho nhà đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài các lợi thế nêu trên, hiện nay khu vực kinh tế các tỉnh phía Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng đang đối mặt nhiều thách thức lớn như công nghệ và máy móc dùng cho sản xuất, thu hoạch và chế biến của ngành nông thủy sản còn rất lạc hậu, tỷ lệ cơ giới hóa còn quá thấp so với nhu cầu. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong vùng cần chú ý nhiều hơn nữa đến vấn đề thị trường và các đối tượng khách hàng. Cần có một hệ thống tín dụng mềm dẻo và linh hoạt, lãi suất vay từ 1% - 3% để khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, thời gian thực hiện lâu, đa số các công ty thực sự mong muốn các địa phương thúc đẩy nhanh việc thực hiện một cửa một dấu nhằm rút gọn tối đa thủ tục và loại bỏ các giấy tờ không cần thiết, giải quyết thủ tục nhanh gọn cho doanh nghiệp.

Từ thực trạng hiện nay của ĐBSCL, ông Yasuzumi nhấn mạnh, cần thiết phải nhanh chóng cải thiện hiệu quả và chất lượng việc sản xuất cũng như thu hoạch nông sản bằng ứng dụng công nghệ mới; đầu tư mạnh mua sắm các máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng, và thêm giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông thủy sản của vùng. Sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến của vùng trong bối cảnh hiệp định TPP đang được đàm phán mang lại ý nghĩa to lớn cho vùng. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc là những điều kiện tiên quyết cần sớm được giải quyết. Ngoài ra, sự hấp dẫn của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động đã làm cho giá thành sản xuất của vùng giảm đáng kể do giá nhân công rẻ. Đơn cử như, một số ngành sản xuất dây chuyền cần nhiều lao động mà vùng có thể đáp ứng rất tốt như may mặc, sản xuất xe hơi, sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ, cơ khí và chế tạo máy cho ngành nông thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi… Đây là những ngành có tiềm năng mà các tỉnh trong vùng có thế mạnh riêng phù hợp cho từng lĩnh vực. Cần phát triển công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp thiết yếu để làm bàn đạp hỗ trợ các ngành công nghiệp khác và cũng cần nâng cao hạ tầng cơ sở của vùng như hệ thống logistics, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại…

Để nắm bắt được xu hướng đầu tư, các cấp lãnh đạo vùng cần hiểu nhu cầu của nhà đầu tư thực sự là gì và nghĩ cách làm thế nào để cải thiện môi trường đầu tư của vùng bằng cách chỉ ra những lợi điểm nổi bật nhất. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phải có liên kết vùng để đạt hiệu quả cao hơn. Cần duy trì việc cải thiện những điểm yếu của vùng, đồng thời tiếp tục củng cố các điểm mạnh riêng nhằm biến vùng trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư vào vùng ĐBSCL trong một hội nghị tổ chức tại TPHCM.

ĐĂNG QUANG

Tin cùng chuyên mục