Tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn

Liên kết, hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL

Vừa qua, lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TPHCM triển khai thực hiện cam kết mạnh mẽ trong việc liên kết, hợp tác cùng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định và thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) an tâm đầu tư.

        Phát huy vai trò đầu tàu

Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, qua 12 năm hợp tác liên kết (từ năm 2001 đến năm 2013) các DN TPHCM đã tham gia đầu tư 23 khu - cụm công nghiệp và kinh doanh thương mại - du lịch tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với trên 1.000 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị, với tổng vốn đăng ký trên 260 ngàn tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, thực hiện chủ trương của TPHCM về đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, hơn 10 năm qua Saigon Co.op đã phát triển được mạng lưới siêu thị Co.opMart ở 12 tỉnh, thành ĐBSCL. Riêng Đồng Tháp siêu thị Co.opMart dự kiến năm 2014 sẽ đi vào hoạt động. Còn tại TP Cần Thơ, hiện có 1 siêu thị và Saigon Co.op đang xúc tiến phát triển thêm 1, 2 siêu thị. “Mạng lưới siêu thị Co.opMart nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, giải quyết việc làm tại các địa phương, đồng thời đối lưu hàng hóa như hàng nông và thủy sản, tiêu dùng… giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL với khoảng 850 tỷ đồng mỗi năm”, bà Hạnh nói. Trong khi đó, theo ông La Minh Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty CTC kiêm Phó chủ tịch HĐTV Co.opMart Cần Thơ cho biết, nếu như năm 2003 khi Co.opMart mới có mặt ở Cần Thơ doanh số bán hàng mỗi ngày trung bình khoảng 25 triệu đồng, thì đến năm 2012 con số này đã là gần 1,3 tỷ đồng. “Nếu CTC hoàn toàn tin tưởng ở trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của Saigon Co.op, thì Saigon Co.op tin tưởng CTC ở sự am hiểu tình hình địa phương trong đó bao gồm phong tục, tập quán, thói quen tiêu dùng kể cả mối quan hệ với các cấp chính quyền địa phương, các đối tượng mà dự án phải đền bù, giải tỏa”, ông La Minh Hồng thông tin. Cũng theo ông La Minh Hồng, UBND và sở ngành của TPHCM cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN của TP đầu tư, liên doanh, liên kết nhiều hơn với TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung, đồng thời tạo điều kiện cho hàng hóa vùng ĐBSCL, trong đó chủ yếu nông sản thực phẩm được thâm nhập vào TPHCM thông qua hệ thống phân phối của các siêu thị và chợ đầu mối.

Siêu thị Co.opMart tại Cần Thơ thu hút nhiều khách hàng.

Siêu thị Co.opMart tại Cần Thơ thu hút nhiều khách hàng.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhìn nhận trong nhiều năm qua, việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TPHCM ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là đầu tư trong nông nghiệp, ngư nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ để ổn định sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực cho vùng ĐBSCL và cả nước. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định việc thiết lập mối quan hệ hợp tác phát triển toàn diện về KT-XH giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là tất yếu khách quan và TP đã ký kết hợp tác kinh tế với 13 tỉnh, thành trong vùng. “Việc hợp tác kinh tế nhằm hỗ trợ cho các tỉnh, thành khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy những lợi thế của mình trong quá trình phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, tạo thêm cơ hội đầu tư, tăng mãi lực thị trường và nâng cao trình độ nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển. Qua mối quan hệ hợp tác này, TPHCM vừa đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực cần đầu tư, vừa mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành phát huy được vai trò trung tâm kinh tế đối với khu vực và cả nước”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nói.

        Hiệu quả kinh tế chưa tương xứng

Với góc nhìn khác về mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa vùng với TPHCM, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: “TPHCM có ảnh hưởng lớn đối với các tỉnh thành phía Nam trong đó có ĐBSCL. Dù thời gian qua các DN TPHCM đầu tư vào vùng hơn 260.000 tỷ đồng là con số không lớn nhưng rất có ý nghĩa, trong đó có việc xây dựng hạ tầng thương mại cho ĐBSCL, từ đó có hệ thống phân phối hiện đại”. Theo ông Thống, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL muốn phát triển thì phải bán được hàng hóa từ đó mới giải quyết được khâu sản xuất và mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, liên kết giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mới dừng lại ở chủ trương, định hướng, còn những kế hoạch qua từng thời gian, lĩnh vực còn hạn chế, do đó cần sơ kết chương trình liên kết để khắc phục những hạn chế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, vẫn còn hạn chế như việc tổ chức điều hành các chương trình hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng, chưa mang tính liên tục, tổ chức thực hiện chưa cụ thể, thiếu chiều sâu nên hiệu quả kinh tế mang lại cho DN, nhà đầu tư và người lao động còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên của các địa phương… Với những hạn chế còn tồn tại trong mối liên kết hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ thống nhất việc sớm tiến hành thời gian tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 2001 - 2013 của Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội song phương giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nói: “Cộng đồng DN sẽ cảm nhận và thấy được sự quyết tâm, sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và lãnh đạo TPHCM trong việc liên kết, hợp tác cùng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định, thuận lợi để các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác đầu tư trên tinh thần các bên đều có lợi”.

HẢI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục