Tuyên bố chung Osaka

Tạo nên một châu Á hài hòa

Ngày 26-10, Hội nghị thượng đỉnh các thành phố lớn châu Á (AMS) đã bế mạc và ra tuyên bố chung Osaka. Tuyên bố chung nêu rõ, châu Á đang bùng nổ một trào lưu lớn về “Cách mạng công nghiệp thế kỷ 21”, trong đó động lực cho sự phát triển này chính là các thành phố lớn của châu Á. Với khả năng tạo cuộc sống phong phú và đầy đủ hơn, các thành phố lớn thu hút dân cư, trở thành trung tâm của phát triển kinh tế và nhiều hoạt động khác, dẫn dắt các nước châu Á nói riêng và toàn thể châu Á nói chung trên con đường phát triển đi lên. Trong quá trình phát triển, đã phát sinh nhiều vấn đề đô thị do dân số tăng nhanh và các hoạt động kinh tế gây ra. Tuyên bố chung nhấn mạnh các đô thị có những kinh nghiệm và trải qua nhiều thử thách có thể đóng góp cho các thành phố khác tạo nên “Một châu Á phát triển hài hòa”.

Để hướng tới sự phát triển hài hòa của châu Á, tuyên bố chung nêu rõ châu Á 11 +1 (11 thành phố tham dự hội nghị và 1 thành phố tổ chức là Osaka-vùng Kansai) đồng ý đưa ra 3 biện pháp để tăng cường hợp tác gồm: Thứ nhất, hiện thực hóa hoạt động kinh tế vững mạnh trong đó giao lưu kinh tế giữa các thành phố châu Á là trọng tâm, trước mắt ưu tiên cho việc hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực phong phú và giao lưu con người, nâng cao hiểu biết lẫn nhau; giao lưu kỹ thuật, bí quyết, kinh nghiệm, đào tạo nhân lực cho tương lai châu Á. Thứ ba, hiện thực hóa môi trường tốt hơn nhằm đảm bảo phát triển bền vững, giải quyết những vấn đề môi trường đang dần trở nên nghiêm trọng, nâng cao khả năng phòng chống thiên tai.

Điều đáng chú ý là Hội nghị phụ nữ toàn cầu (GSW) 2008 tổ chức tại TPHCM cùng với Olympic Bắc Kinh 2008 và triển lãm Expo tại Thượng Hải năm 2010 được đưa vào tuyên bố chung, xem đó là cơ hội để châu Á tạo ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ trước thế giới.

Phát biểu tại buổi họp báo sau phiên bế mạc, Tỉnh trưởng Osaka, bà Fusae Ohta cho biết sáng kiến tổ chức Hội nghị AMS đã được nhiều thành phố hoan nghênh. Bà Fusae Ohta thêm rằng với kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng và tái chế chất thải, Osaka sẵn sàng giúp đỡ các thành phố khác nhằm cải thiện môi trường. Thành phố Osaka cũng được tín nhiệm làm tổng thư ký AMS chuẩn bị cho các kỳ hội nghị sau.

Trong bài phát biểu tại buổi họp báo sau khi bế mạc Hội nghị AMS, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định: “Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của châu Á và thế giới, tuyên bố Osaka là một văn kiện quan trọng, là định hướng cho nỗ lực chung vì một châu Á đoàn kết, hữu nghị, phát triển năng động và bền vững. Là một đầu tàu kinh tế và cửa ngõ giao lưu quốc tế của Việt Nam, TPHCM luôn ủng hộ những nỗ lực đa phương nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa của khu vực. Chúng tôi cam kết làm hết sức mình với tinh thần trách nhiệm cộng đồng góp phần giải quyết những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt, cùng nhau nâng cao vị thế của châu Á trên thế giới”.

VŨ MINH (từ Osaka)

Thông tin liên quan

* Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thăm hệ thống metro Osaka, Nhật Bản

* Thăm TP Yokohama (Nhật Bản), Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: 
Yokohama và TPHCM có nhiều tiềm năng để hợp tác
  

Tin cùng chuyên mục