Tạo nét văn hóa riêng cho phố đi bộ

Tháng 10-2020 tới đây, phố đi bộ tại quận 10 (TPHCM) chính thức đi vào hoạt động tại khu vực trước chợ Nguyễn Tri Phương. Đây là phố đi bộ thứ 3 tại TPHCM đi vào hoạt động. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, xung quanh việc tổ chức các hoạt động trên phố đi bộ đi vào chiều sâu để gắn kết phát triển kinh tế, xã hội tại TPHCM.

Phóng viên: Từ góc độ đơn vị quản lý văn hóa, bà đánh giá hiệu quả thực tế sau một thời gian đi vào hoạt động của các phố đi bộ như thế nào, được như mong muốn chưa, thưa bà?

Tạo nét văn hóa riêng cho phố đi bộ ảnh 1 Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy

Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY: Có thể nói, các tuyến phố đi bộ tạo thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch và tạo nên nét văn hóa độc đáo riêng của một TPHCM năng động, sáng tạo. Đặc biệt, phố đi bộ Nguyễn Huệ với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật có chọn lọc, phù hợp với không gian đường phố, tương tác với các công trình nhạc nước, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các khu dịch vụ cao cấp… đã tạo nên một điểm đến lý tưởng cho nhân dân TPHCM và du khách. Tại phố đi bộ Bùi Viện, sau khi khai trương đã có 2 điểm biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách trong và ngoài nước; 1 điểm biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống; 1 điểm biểu diễn các thể loại âm nhạc, nghệ thuật đương đại, đã tạo được tương tác đáng kể với khán giả. Tuy nhiên, các điểm biểu diễn trên phải tạm ngưng từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý do tình hình dịch Covid-19.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hoạt động của phố đi bộ cần được bài bản hơn, nhất là khi TPHCM chuẩn bị đón du khách trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế?

Mô hình phố đi bộ tại TPHCM thời gian tới rất cần sự phối hợp của nhiều ngành để công tác triển khai điều chỉnh, tổ chức hoạt động được bài bản hơn, đảm bảo các tiêu chí an toàn, hiệu quả, thu hút du lịch, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội TP.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, mô hình trên trong thời gian qua thật sự còn những vấn đề cần quan tâm. Đó là các phố đi bộ được tổ chức hoạt động trên cơ sở tận dụng không gian có sẵn, không được quy hoạch và hình thành theo ý tưởng thiết kế ban đầu nên ít nhiều bị chi phối bởi cảnh quan, hiện trạng của các công trình nhà ở. Điều này khó tạo ra toàn cảnh của một tuyến đường đi bộ đẹp mắt, khang trang. Ngoài ra, hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ Bùi Viện đan xen với các hoạt động dịch vụ khác, không có không gian rộng thoáng, riêng biệt cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng biểu diễn và cảm nhận của người xem về những giá trị đích thực của nghệ thuật, đặc biệt là các giá trị của những loại hình nghệ thuật truyền thống.

Ý thức của một bộ phận người dân và du khách, kể cả người tham gia các hoạt động dịch vụ tại các tuyến phố đi bộ chưa cao, ảnh hưởng đến vệ sinh công cộng, mỹ quan đô thị. Tình trạng xả rác, sinh hoạt thiếu vệ sinh, thái độ ứng xử thiếu văn minh… cũng còn tồn tại. 

Thưa bà, vậy việc gắn kết các hoạt động văn hóa tại các phố đi bộ để phát triển du lịch, văn hóa được Sở Văn hóa - Thể thao chú trọng phát triển như thế nào?

Nhằm tăng cường các hoạt động văn hóa - văn nghệ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao trong nhân dân, đặc biệt là tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, đầu tháng 7 vừa qua, hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đã được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM khôi phục với những chương trình nghệ thuật truyền thống dân gian, đương đại, nghệ thuật đường phố, thể thao nghệ thuật... Hoạt động này về lâu dài sẽ góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng cho TPHCM. Điều cần làm là tôn tạo không gian biểu diễn phù hợp với từng khu vực, tránh khoa trương hình thức nhưng đáp ứng cơ bản các tiêu chí tổ chức biểu diễn; cần tăng cường các loại hình nghệ thuật đường phố, các hình thức rong diễn nhằm tạo sự giao lưu, tương tác giữa hoạt động biểu diễn với khán giả, biến khán giả trở thành nhân vật trung tâm trong hoạt động trình diễn. Hay nói cách khác, các hoạt động biểu diễn phải hòa mình vào hoạt động của toàn khu vực của tuyến phố đi bộ.

Tháng 10 tới đây, phố đi bộ tại quận 10 sẽ đi vào hoạt động. Để các phố đi bộ duy trì, phát triển và mang được đặc sắc riêng của con người, văn hóa TPHCM, cần quan tâm chú trọng những điều gì? Nên có những sản phẩm văn hóa gắn kết như thế nào?

Xu hướng lập thêm các tuyến phố đi bộ là nhu cầu thực tiễn của xã hội. Tuy nhiên, điều này cần được cân nhắc cẩn trọng để công tác duy trì hoạt động, tạo ra nét văn hóa riêng là công việc lâu dài, cần được quan tâm đầu tư đúng mức. Hoạt động tại các tuyến phố đi bộ cần tạo ra không gian an toàn, vệ sinh, môi trường lành mạnh và cần kết hợp nhiều loại hình dịch vụ, vui chơi, giải trí phù hợp như âm nhạc, hội họa, sân khấu, ẩm thực, văn hóa đọc… Cần có phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, cơ quan liên quan thuộc các lĩnh vực môi trường, đô thị, văn hóa, nghệ thuật… Cũng cần quan tâm công tác tham khảo, học tập kinh nghiệm các mô hình hoạt động phố đi bộ các các địa phương trong nước và một số nơi trên thế giới để việc hình thành các tuyến phố đi bộ thật sự đạt yêu cầu, thiết thực phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP.

Tin cùng chuyên mục