Tạo quỹ đất thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp

Do vướng giải tỏa đền bù, một số khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM chưa được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nên không thu hút được doanh nghiệp (DN). Trong khi quỹ đất thu hút đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) đang dần bị thu hẹp, các KCN hiện hữu dần lấp đầy.

Chưa đồng bộ hạ tầng

Theo báo cáo mới đây của Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA), một số KCN mở rộng hoặc đang thực hiện chưa xây dựng

đồng bộ cơ sở hạ tầng như: hệ thống giao thông, cây xanh tập trung... do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, trên địa bàn huyện Bình Chánh, KCN Lê Minh Xuân 2 (319,77ha) tại xã Lê Minh Xuân đang thực hiện, dự kiến xây dựng cơ sở hạ tầng toàn khu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành và tháng 12-2020 mới hoàn tất vốn đầu tư.

Ở KCN Phong Phú (67ha) tại xã Phong Phú, hiện công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất, chủ đầu tư KCN chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở TN-MT. KCN Lê Minh Xuân mở rộng (109,91ha) tại xã Lê Minh Xuân dự kiến được xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước, hệ thống điện và nhà máy xử lý nước thải tập trung từ tháng 12-2020 đến tháng 12-2023, dự kiến bắt đầu kinh doanh từ tháng 1-2023, nhưng đến nay KCN này chỉ mới thực hiện đền bù 83,89% diện tích và chưa triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, các KCN khác vẫn còn đang đền bù dở dang như: KCN Cơ khí ô tô còn 2,11ha; KCN Đông Nam đền bù còn 2,31ha; KCN Tân Phú Trung còn 45,94ha; KCN Lê Minh Xuân 3 còn 11,74ha;  KCN Lê Minh Xuân 6,91ha; KCN Tân Tạo 5,03ha, KCN Vĩnh Lộc 12,71ha; KCN Tân Bình 0,29ha; KCN Cát Lái 3,01ha; KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2) 40,42ha... 

Tạo quỹ đất thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp ảnh 1  KCN Lê Minh Xuân 3 đã được đưa vào hoạt động nhiều năm qua. Ảnh: HUY PHAN

Đối với KCN Cát Lái, từ khi có chủ trương chuyển giao KCN này trước khi cổ phần hóa, từ Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 cho Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) quản lý, chuyển đổi công năng thành khu dịch vụ hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu, Công ty Dịch vụ công ích quận 2 đã tạm ngưng thực hiện kế hoạch đầu tư các hạng mục hạ tầng còn lại trong KCN, trong đó có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Do vậy, KCN Cát Lái không thể tiếp nhận dự án đầu tư mới và mở rộng quy mô.

Đẩy nhanh tiến độ đền bù

Nhằm tạo quỹ đất để thu hút đầu tư vào các KCX-KCN, HEPZA đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo Công ty Dịch vụ công ích quận 2 tiếp tục đầu tư hạ tầng KCN Cát Lái, đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước thải tập trung để phục vụ các dự án đầu tư mới và mở rộng tại KCN. Đồng thời chỉ đạo UBND các quận huyện đẩy nhanh tiến độ đền bù tại các KCN để các công ty sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên diện tích đó (hiện còn 130,46ha chưa đền bù tại các KCX-KCN trên địa bàn 7 quận huyện).

Theo HEPZA, một số KCN hiện vướng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư khu dân cư liền kề KCN, dẫn đến chủ đầu tư hạ tầng, KCN không có nền tái định cư cho người dân, chậm tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng KCN, các hạ tầng xã hội phục vụ KCN chậm triển khai. Do đó, HEPZA cũng đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành liên quan giao các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN được làm chủ đầu tư khu dân cư liền kề KCN, để các KCN có nền tái định cư, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai các hạ tầng xã hội phục vụ KCN. 

Trước mắt, để thu hút đầu tư vào các KCN hiện hữu, Sở Công thương TPHCM cũng đã đề nghị các KCN cần tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình mới để tăng khả năng thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là ưu tiên DN có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành.

Trước thực tế trên, UBND TPHCM vừa giao Sở QH-KT TPHCM rà soát các KCX-KCN để tìm ra giải pháp tạo quỹ đất thu hút đầu tư; phối

hợp với các bộ ngành liên quan hỗ trợ TP xây dựng KCN ứng dụng công nghệ cao (380,8ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) có chất lượng và có tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo. UBND TP cũng giao Sở KH-ĐT khẩn trương phối hợp làm việc với HEPZA và thống nhất hướng xử lý những DN hoạt động không đúng mục tiêu đăng ký đầu tư, ngành nghề đầu tư tại các KCX-KCN. TP cũng yêu cầu HEPZA có văn bản báo cáo cụ thể các vướng mắc liên quan (đơn giá đất, hình thức đóng tiền thuê đất…) đối với KCN Hiệp Phước, gửi Sở TN-MT cũng như báo cáo UBND TP. Đồng thời rà soát, báo cáo cụ thể về quỹ đất sạch có thể thu hút đầu tư ngay (đặc biệt các quỹ đất sạch liền kề với các khu đất mà các chủ đầu tư đang hoạt động để khuyến khích mở rộng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất) đề xuất trình UBND TP.

TP cũng chỉ đạo HEPZA chủ động phối hợp các sở ngành chức năng tăng cường công tác hậu kiểm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước. Trường hợp vượt thẩm quyền, tổng hợp báo cáo, đề xuất trình UBND TP chỉ đạo xử lý. Rà soát, tổng hợp có báo cáo riêng về những khó khăn vướng mắc của các KCX-KCN đề xuất hướng xử lý trình UBND TP.

Để định hướng và phát triển công nghiệp trong thời gian tới, TPHCM đã giao Sở QH-KT đánh giá tình hình sử dụng đất, đầu tư xây dựng hiện nay đối với các KCX-KCN trên địa bàn TP, cũng như nghiên cứu nhu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của TP trong tương lai. Đồng thời đề xuất hướng xử lý đối với các KCN Bàu Đưng, Phước Hiệp (huyện Củ Chi); Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) và Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh). Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ chưa có chỉ đạo về quy hoạch các KCN nói trên, nhưng TP cho biết, trường hợp được tiếp tục thực hiện KCN, TP sẽ ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tin cùng chuyên mục