Theo Kyodo, cuộc gặp càng có ý nghĩa trong năm Ấn Độ là Chủ tịch của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), còn Nhật Bản đảm nhận chức vụ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7).
Quan hệ song phương Ấn - Nhật phát triển trên mọi lĩnh vực, từ quốc phòng an ninh tới thương mại và đầu tư, giáo dục, y tế, các công nghệ quan trọng và mới nổi. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ thảo luận những lợi ích chung trên cơ sở các thách thức toàn cầu quan trọng như an ninh lương thực và y tế, chuyển đổi năng lượng, kinh tế bền vững.
Theo thông tin từ Chính phủ Ấn Độ, xứ sở hoa anh đào là quốc gia cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất và vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) lớn thứ 5 tại Ấn Độ. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Baghchi nói: “Nhật Bản là đối tác quan trọng của Ấn Độ. Chúng tôi có các cuộc họp thượng đỉnh hàng năm với Nhật Bản. Họ cũng là đối tác trong các cấu trúc đa phương và khu vực, bởi vậy chúng tôi trông đợi một cuộc thảo luận hiệu quả trong chuyến thăm này để cùng trao đổi quan điểm”.
Kể từ năm 2014, Ấn Độ và Nhật Bản đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn cầu và Chiến lược đặc biệt. Hai nước hình thành cơ chế họp thượng đỉnh hàng năm kể từ năm 2006 và đã thiết lập cơ chế 2+2 họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng. Cả New Delhi và Tokyo đều là thành viên của Nhóm Đối thoại an ninh 4 bên (Quad) cùng Australia và Mỹ… Các nhà quan sát quốc tế nhận định, quan hệ ngày càng được thắt chặt giữa Nhật Bản - Ấn Độ sẽ tạo ra một liên kết có sức mạnh tại khu vực. Điều này một lần nữa cho thấy bàn cờ địa chính trị của các nước lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục sôi động trong thời gian tới.