“Tạo thế” để ngành điều phát triển bền vững

Chiếm 57,7% diện tích trồng điều của cả nước với 134.127ha, tỉnh Bình Phước được ví như thủ phủ của cây điều Việt Nam. Trong bối cảnh giá nhân điều xuất khẩu khá ổn định như hiện nay, đòi hỏi phải “tạo thế” cho cây điều phát triển bền vững, nhằm tăng thu nhập cho người trồng và tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng nông sản này.
“Tạo thế” để ngành điều phát triển bền vững

Chiếm 57,7% diện tích trồng điều của cả nước với 134.127ha, tỉnh Bình Phước được ví như thủ phủ của cây điều Việt Nam. Trong bối cảnh giá nhân điều xuất khẩu khá ổn định như hiện nay, đòi hỏi phải “tạo thế” cho cây điều phát triển bền vững, nhằm tăng thu nhập cho người trồng và tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng nông sản này.

Thời của cây điều

Trước đây, nói tới Bình Phước người ta hay nhắc đến cây cao su nhưng 3 năm gần đây, giá cao su thiên nhiên trên thế giới giảm mạnh, trong khi giá điều liên tục tăng đã giúp diện tích cây điều tại Bình Phước tăng nhẹ.

Vài năm gần đây, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu điều nhân của Bình Phước đều tăng qua từng năm, như năm 2015 đạt 293,18 triệu USD và 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xuất khẩu 39.888 tấn, đạt kim ngạch 325,37 triệu USD, tăng 44,32 % về giá trị so với cùng kỳ (chưa kể số lượng được các doanh nghiệp ngoài tỉnh mua về chế biến và xuất khẩu trực tiếp). Sản phẩm điều nhân của Bình Phước được giới chuyên môn đánh giá có chất lượng hơn hẳn các tỉnh khác ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và ngay cả khu vực Đông Nam bộ. Toàn tỉnh có 34 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp đến khoảng 140 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, lớn nhất là thị trường Trung Quốc (chiếm 30,69%), Mỹ (17,66%) và một số nước châu Âu.

Chế biến điều ở Công ty TNHH Mỹ Lệ (tỉnh Bình Phước)

Tỉnh Bình Phước đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đạt diện tích 200.000ha điều, sản lượng khoảng 500.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu điều nhân đạt 1 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - VINACAS đây không phải mục tiêu quá xa mà hoàn toàn khả thi.

Hiện trạng manh mún

Thế nhưng, thủ phủ điều lại đang phải đối mặt với hiện trạng manh mún từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu. Chất lượng vùng nguyên liệu vừa thiếu; không đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp tại địa phương, lại vừa thiếu ổn định về sản lượng. Sản lượng trồi sụt thất thường qua các năm, như năm 2013 chỉ đạt 123.279 tấn, năm 2014 vọt lên 191.734 tấn và 9 tháng đầu năm nay là 154.162 tấn (giảm 44.689 tấn so với vụ 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến năng suất giảm). Nguyên nhân khác là diện tích vườn điều già cỗi chiếm tỷ lệ lớn. Tuy có một số vườn điều được thâm canh tốt ở Đồng Xoài, Bù Gia Mập cho năng suất 3 - 5 tấn/ha, nhưng phần lớn vườn điều của bà con dân tộc thiểu số trồng lại ít được chăm sóc tốt nên năng suất chỉ còn 6-7 tạ/ha, kéo theo năng suất bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 1,5 tấn/ha năm 2015 và năm 2016 đạt 1,63 tấn/ha.

Toàn tỉnh có 226 doanh nghiệp và 328 cơ sở tham gia chế biến điều nhân xuất khẩu với tổng công suất 500.000 tấn/năm, nhưng do sản lượng năm cao nhất chỉ đạt hơn 191.000 tấn nên phải nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria… và Campuchia. Nhưng ngặt nỗi điều thô nhập từ châu Phi chất lượng kém so với điều trong nước nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm điều nhân chế biến, làm tăng chi phí vận chuyển, lưu kho… dẫn tới giảm lợi nhuận và giảm sức cạnh tranh.

Chưa bàn sâu đến việc nhập điều thô chất lượng thấp mà chỉ nhìn qua số lượng cơ sở chế biến trong nước cũng hình dung được sự manh mún của ngành chế biến điều Bình Phước. Do có quá nhiều doanh nghiệp và cơ sở quy mô nhỏ tham gia vào quá trình chế biến, xuất khẩu nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và đây là điều đáng lo ngại cho tương lai của ngành xuất khẩu điều Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung. Bà Trần Mỹ Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH Mỹ Lệ cho rằng: “Do có quá nhiều cơ sở chế biến điều quy mô nhỏ, đồng thời thiếu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng nên dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá nguyên liệu lên cao và thực tế các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Để Bình Phước đạt kim ngạch xuất khẩu điều nhân 1 tỷ USD vào năm 2020, theo VINACAS, tỉnh cần quan tâm đến việc nhân các giống điều tại chỗ chịu được hạn, năng suất cao, chất lượng tốt đã được thị trường chấp nhận; chuyển giao công nghệ chế biến điều sạch theo tiêu chuẩn ISO - HACCP cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tái cấu trúc lại khâu chế biến theo hướng chuyên sâu.

Do còn tỷ lệ lớn nông hộ là đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu vùng xa nên khả năng thâm canh hạn chế, vườn điều già cỗi nên rất cần có chương trình tín dụng riêng cho cây điều để bà con mạnh dạn đầu tư cải tạo, thay thế giống nhằm tăng năng suất, chất lượng và tạo sự ổn định cho ngành chế biến, xuất khẩu ở phủ thủ điều Bình Phước.

 VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục