Tạo thị trường mới cho doanh nghiệp

Tạo thị trường mới cho doanh nghiệp

Đó là những gì mà UBND TPHCM, trực tiếp là Sở Công thương và Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang làm nhằm tạo nên thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn giữa các doanh nghiệp.

Hiện xu hướng tiêu dùng truyền thống - tiêu dùng sản phẩm rẻ tiền đang dần bị thay thế bởi những xu hướng mới và hiện đại hơn. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng đang tìm đến những sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh mà cao hơn nữa là những sản phẩm của các doanh nghiệp thân thiện với môi trường. Minh chứng cụ thể nhất là doanh thu của sản phẩm xanh tăng 30%-40% trong tuần lễ phát động chiến dịch tiêu dùng xanh.

Chọn mua sản phẩm Doanh nghiệp xanh tại siêu thị. Ảnh: KIM NGÂN

Chọn mua sản phẩm Doanh nghiệp xanh tại siêu thị. Ảnh: KIM NGÂN

Để có được kết quả trên phải kể đến nhiều giải pháp đồng bộ đã và đang được cơ quan chức năng triển khai mạnh trên địa bàn TPHCM - một trong những thị trường lớn nhất nước ta. Bắt đầu bằng việc thành phố thành lập Ban chỉ đạo di dời do Sở Công thương chủ trì, thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thành ra các khu tập trung. Hơn 1.300 doanh nghiệp đã phải di dời vào cụm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung hoặc chuyển đổi sang những ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường.

Kế đến, Sở Tài nguyên và Môi trường buộc 15 khu chế xuất, khu công nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đến nay, 15 hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu đã đi vào hoạt động ổn định. Hiện sở tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát chất lượng nước thải của các hệ thống này. Không dừng lại đó, công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt nghiêm khắc những trường hợp doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng cũng được duy trì thường xuyên. Năm 2009 đã có 51 doanh nghiệp bị buộc tạm ngưng hoạt động.

Đến năm 2010, tính đến hết tháng 9 đã có gần 200 doanh nghiệp vi phạm môi trường bị xử lý. Trong đó, không ít doanh nghiệp đã bị sở kiến nghị UBND TPHCM rút giấy phép hoạt động. Điều đáng nói, sở đang kết hợp với UBND 24 quận huyện thực hiện rà soát các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm. Từ đó, lập danh sách và lên phương án di dời hoặc xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp. Riêng đối với những doanh nghiệp đang hoạt động hiện hữu, phù hợp với quy hoạch của thành phố, Phòng Quản lý môi trường đang tiến hành điều tra, lấy mẫu phân tích để xác định mức độ tự giác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Cho đến nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp được lấy mẫu để xem xét, kiểm tra.

Điểm nổi bật nhất, tại các hệ thống phân phối, kênh bán lẻ sản phẩm của các doanh nghiệp đang có xu hướng ưu tiên thu mua và tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp xanh, đồng thời tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp đen. Điều này đã buộc các doanh nghiệp đen phải tự thay đổi mình nếu không muốn tự thu hẹp thị trường tiêu thụ. Mặt khác, tạo động lực để các doanh nghiệp xanh ngày càng hoàn thiện hơn công tác bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng và cũng cố hình ảnh thân thiện của mình hơn trong mắt người tiêu dùng.

Có thể nói, bên cạnh biện pháp tuyên truyền, định hướng tiêu dùng cho cộng đồng theo xu hướng tiêu dùng xanh thì việc thắt chặt công tác quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp sản xuất cũng không kém phần quan trọng. Việc thực hiện đồng bộ hai giải pháp trên sẽ góp phần tạo nên thị trường mới - nơi mà vị thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đen và xanh được cân bằng hơn.

Trên thực tế, nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường sống của cộng đồng đã được nâng cao. Cộng đồng đã biết rằng bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chính họ. Xu hướng tiêu dùng xanh sẽ là tiền đề tích cực để loại bỏ dần doanh nghiệp đen, góp phần cải thiện môi trường sống vốn đang bị suy thoái nghiêm trọng. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng liên quan làm thế nào để phát huy nhận thức của cộng đồng để biến thành hành động cụ thể hơn, thiết thực hơn.

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục