Các chi phí không tên, các khoản “lót tay” ngoài luồng cho cơ quan chuyên trách (như hải quan, quản lý thị trường, lực lượng thanh tra chuyên ngành…) vẫn âm thầm diễn ra. Chính những gánh nặng phi chính thức kiểu “luật bất thành văn” này đã và đang làm cản bước tiến của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì muốn yên ổn để làm ăn nên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ dũng cảm đứng lên để phanh phui sự thật.
Ngập ngừng “trải thảm”
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, không thể phủ nhận sự năng động của các thành phần kinh tế tư nhân trong suốt thời gian qua đã dốc sức tạo nên một diện mạo mới cho nền kinh tế đất nước. Thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến nay, đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP đều ở mức trên 43% (kinh tế nhà nước khoảng 28,9%, DN có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 18%). Thành phần kinh tế này đã và đang có những đóng góp quan trọng trong phát triển đất nước, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết hàng loạt các vấn đề của xã hội.
Ước tính của các cơ quan chức năng, với đà tăng trưởng các DN thành lập mới như hiện nay, vào năm 2020 nước ta sẽ có khoảng trên 1 triệu DN tư nhân. Theo ông Nguyễn Quang Khuân, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại huyện Bình Chánh (TPHCM), để các DN lớn mạnh thực sự, rất cần bàn tay chăm chút, mạnh dạn trải thảm của nhà nước để hỗ trợ DN thực sự lớn mạnh, có thể vươn ra thế giới, chứ không phải kiểu ngập ngừng trải thảm như hiện nay.
Để phân tích rõ hơn về vấn đề trên, tại một cuộc họp bàn hỗ trợ DN phát triển diễn ra cách nay vài tuần trên địa bàn TPHCM, khá nhiều DN chỉ đích danh bị nhũng nhiễu, bị hành lên xuống vì không chịu “lót tay” các khoản ngoài luồng.
“Cực kỳ mệt mỏi. Mặc dù chúng tôi là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các bộ trang phục truyền thống bằng lụa tơ tằm sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… từ hàng chục năm qua. Thế nhưng, cứ trước mỗi dịp lễ tết đều có các đoàn kiểm tra chuyên ngành xuống làm việc, tìm hiểu về quy trình sản xuất, gia công đã đạt chuẩn hay chưa. Nói thực, quy trình sản xuất khép kín của chúng tôi đã được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao, nhưng địa phương thì vẫn kiếm cớ kiểm tra, hành lên hành xuống”, ông N.D, giám đốc một DN chuyên về xuất khẩu lụa tơ tằm ngụ tại TPHCM bức xúc phản ánh.
Trao đổi riêng với phóng viên SGGP, chị Mai Thị Thu Loan, chuyên doanh trái cây nhập khẩu trên mạng (ngụ tại quận 10) cho biết, thực sự DN nào cũng bị hành cả, vấn đề là ít hay nhiều mà thôi. Hầu hết bạn bè của tôi là DN đều phải chung chi từ nhỏ đến lớn, thậm chí họ làm đúng hoàn toàn nhưng cũng phải “lót tay” để phòng ngừa lỡ xảy ra sai phạm.
“Bản thân tôi, một DN nhỏ xíu nhưng cũng phải gửi các khoản không tên mỗi tháng vài triệu đồng. Tất nhiên, chẳng dại gì mà tố cáo, vì DN chỉ muốn yên ổn để làm ăn, sợ bị trù dập. Chưa kể, nơi nào cũng vậy, tố cáo được cán bộ này, sau đó DN chuyển đi nơi khác không có gì đảm bảo rằng nơi mới không có nhũng nhiễu xảy ra”, chị Thu Loan nói.
Giảm bớt phiền hà
Điểm qua một vài con số thống kê chưa chính thức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây cho thấy, có khoảng trên 70% DN từng đón tiếp các đoàn thanh tra trong nhiều lĩnh vực. Điều đáng lo ngại ở chỗ, DN càng lớn, gánh nặng kiểm tra càng cao. Chẳng hạn, các DN nhỏ và vừa đón khoảng 1-2 cuộc thanh kiểm tra, DN lớn đón khoảng 3 cuộc/năm. Đáng chú ý, nhiều cuộc thanh kiểm tra có nội dung trùng lắp…
Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, việc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng dường như tạo thêm gánh nặng cho DN. Chính các chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng kéo theo nhiều rủi ro, nhất là khi DN muốn tăng quy mô sản xuất, kinh doanh… Từ đó dẫn tới tình trạng nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi sang DN.
Chỉ đích danh tên gọi của những nút thắt hành DN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói thẳng, DN đang gặp rào cản lớn về gánh nặng pháp luật, rủi ro pháp lý (chính sách thay đổi liên tục, DN không kịp cập nhật…), chính sách cạnh tranh kém, quản trị yếu, an toàn và bảo vệ tài sản… Các nghị quyết như Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đã và đang tạo động lực rất tốt cho DN. Thế nhưng, theo ông Phan Đức Hiếu, các nghị quyết này mới dừng lại ở việc cắt giảm chi phí, thời gian cho DN; riêng những rủi ro đối với DN thì không được nhắc tới nhiều.
Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các bộ, ngành cần tích cực hỗ trợ DN gia nhâp thị trường. Trong đó, cần quan tâm đến vấn đề thể chế là những văn bản pháp luật; song song đó là gỡ nút thắt về các chi phí không tên, giảm bớt các thủ tục phiền hà có nguy cơ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực… làm cản bước tiến của DN.