Tập đoàn thực phẩm Nhật Bản “đổ bộ” vào Việt Nam

Bộ trưởng Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hayashi Motoo đã dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp đến khảo sát thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm. Đây cũng được xem là bước đầu cho kế hoạch đẩy mạnh đầu tư ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tại Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản trong năm 2016.

Bộ trưởng Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hayashi Motoo đã dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp đến khảo sát thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm. Đây cũng được xem là bước đầu cho kế hoạch đẩy mạnh đầu tư ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tại Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản trong năm 2016.

Nhận định về tiềm năng thị trường tiêu thụ sản phẩm thực phẩm Nhật Bản tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định, Việt Nam là một thị trường lớn với trên 90 triệu dân. Cơ cấu dân số trẻ và thu nhập đang tăng mạnh là điều kiện tốt để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thực phẩm Nhật Bản, nhất là những sản phẩm như bánh, kẹo, thực phẩm chế biến sẵn hay đồ chơi an toàn cho trẻ em.. 

Ông Hironobu Kitagawa, Giám đốc Ban dịch vụ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản, cho biết sản phẩm Nhật vốn có lợi thế là chất lượng tốt, an toàn cho người tiêu dùng. Hiện đang được cộng thêm lợi thế giảm giá thành nhờ giảm thuế nhập khẩu, vì Việt Nam và Nhật Bản đã ký hiệp định thương mại song phương, đồng thời Việt Nam và Nhật Bản còn là đồng thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những thuận lợi trên sẽ tạo điều kiện để sản phẩm Nhật tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Đại diện Công ty Gincho nhấn mạnh, trước mắt công ty sẽ nhập sản phẩm thành phẩm và thông qua hệ thống phân phối của Nhật Bản đang có tại Việt Nam để tiếp cận với người tiêu dùng. Nếu những tín hiệu tiêu thụ khả quan thì các công ty sẽ tiến hành đầu tư nhà máy sản xuất tại đây. Các sản phẩm thực phẩm của doanh nghiệp Nhật Bản đều được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là nông sản thực phẩm. Đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào, phong phú và có chi phí thấp tại nước ta.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, cho biết để có thể đưa sản phẩm của Nhật tiếp cận với thị trường Việt Nam, trước đó Chính phủ Nhật Bản cũng như những đơn vị liên quan đã hỗ trợ phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Bởi theo nghiên cứu của Nielsen cho thấy, thói quen mua bán nhỏ, tiện lợi và nhanh gọn là hình thức thương mại chủ yếu của người Việt. Hiện nay, sức mua của người Việt tại các cửa hàng tiện ích, tạp hóa và chợ chiếm đến 80%, chỉ 20% thuộc về các siêu thị, trung tâm thương mại.

Được biết, cùng tham gia trong đoàn khảo sát do Bộ trưởng Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hayashi Motoo dẫn đầu là các “đại gia” bán lẻ Nhật Bản như FamilyMart, Mini Stop, 7 Eleven, Lowson. Trước mắt, hàng Nhật sẽ được đưa vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật tại Việt Nam là Mini Stop và FamilyMart, Aeonmall. Cả hai chuỗi Mini Stop và FamilyMart hiện có khoảng 130 cửa hàng và sẽ tăng lên 200 cửa hàng vào tháng 11 tới. Aeonmall thiết lập chuỗi 26 siêu thị. Hiện tại, các cửa hàng này có quầy sản phẩm Nhật Bản với 50 - 60 loại sản phẩm. Dự kiến, đến năm 2017 sẽ có thêm hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi 7 Eleven. Đây là kênh nắm bắt thị hiếu khách hàng tốt nhất, sẽ cạnh tranh trực diện và gây không ít khó khăn cho các cửa hàng tạp hóa Việt Nam trong thời gian tới.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục