* Phát động ủng hộ đồng bào miền Trung
* TPHCM hỗ trợ đồng bào miền Trung 5 tỷ đồng
Bão số 10 đã đi qua, nhưng hậu quả để lại quá khủng khiếp. Người dân miền Trung cùng với sự chung tay hỗ trợ của cả nước đang gượng dậy để khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống. Trong khi mưa to, lũ tiếp tục dâng cao và thiệt hại vẫn chưa thể lường trước được.
Tan tác làng biển
Những ngày này, miền Trung đang gượng dậy để khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cho biết: “Cảnh Dương là một vùng biển hùng mạnh, có hơn 400 tàu thuyền đánh bắt khơi xa, nhưng cơn bão số 10 đã đánh đắm, gây hư hỏng hơn 100 tàu thuyền khiến người dân kiệt quệ”. Người vùng biển Cảnh Dương vốn tự hào là tàu thuyền của họ có mặt gần như từ vùng biển Hoàng Sa đến Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt, nhưng qua một trận bão càn, khung cảnh làng biển sôi động này bỗng trở nên tiêu điều xơ xác. Anh Tuấn Sìu nhà tốc mái tan hoang trong bão, hàng xóm phải đến nhặt nhạnh từng viên ngói lợp lại mái nhà để ra vào khỏi ướt. Còn cả gia đình từ bé đến lớn đều ra bến sông trục vớt hai chiếc tàu của gia đình trị giá hơn 3 tỷ đồng bị chìm do sóng đánh. “Cả nhà tui vay mượn lớn lắm, nhưng chừ chỉ còn vớt lại đống máy móc, thuyền bị đánh chìm coi như chẳng còn ích gì nữa, vớt được lốc máy lên có sửa được chi thì sửa chớ chẳng mong gì nữa”, anh Tuấn Sìu nói. Cách đó mấy trăm mét là thuyền cá của anh Nguyễn Ngọc Phú bị sóng đánh chìm ven đê, nước ngập cả khoang máy. “Chìm hết là chẳng còn chi để cứu nữa rồi chú ơi. Nợ nần ngân hàng mới vay để mua chiếc tàu ni gần cả tỷ đồng, tui tính đi biển mấy năm trả xong nợ và xây được cái nhà nhỏ, giờ thì đổ thêm nợ không biết lấy chi trả đây”- anh Phú giãi bày.
Gượng dậy sau bão
|
Xã Quảng Xuân cũng như 159 xã phường khác của tỉnh Quảng Bình bị bão càn qua thiệt hại khủng khiếp. Ngày 2-10 chúng tôi đến địa bàn này, người dân kiệt sức thu dọn cây cối đổ rạp quanh nhà, ngoài đường với gương mặt phờ phạc. Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân Dương Minh Hợi cho biết: Trường học trên địa bàn thiệt hại toàn bộ, gần 100% số hộ trong xã có nhà bị tốc mái, cây cối ngã đổ chắc phải lâu lắm mới dọn xong.
Nước mắt lưng tròng, chị Lê Thị Vân nói: “Làng biển mong cả nước giúp đỡ được cái gì hay cái đó để hy vọng vươn dậy sau mất mát. Trước mắt, hãy giúp đỡ chúng tôi đưa thuyền mắc cạn ra với sông với biển nhằm cứu được thứ gì hay thứ đó, chứ nhìn tàu thuyền mất trắng thì đứt từng khúc ruột”. Ông Đồng Thanh Hòa thì mong muốn: “Ngân hàng cho ngư dân tận khổ như bọn tui giãn nợ chứ không thì ăn mày cả đời cũng chẳng trả được nợ”.
Về xã lúa Tân Ninh, bà Nguyễn Thị Lý nói: “Nhà tui tốc mái rầm rập, thu góp mấy chục năm dựng được mái nhà tưởng rứa yên ổn, ai ngờ bão đánh bay mái ngói. Rồi xóm làng, cả xã, cả huyện cũng bị bão nhấn chìm. Chừ ai cũng bạc mặt với bão, thiệt tình mong muốn cả nước giúp đỡ để chúng tôi có thêm niềm tin mà gắng gượng sau bão, chứ mấy ngày nay tủi thân không biết khóc với ai”. Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết cả huyện thiệt hại hơn 1.800 tỷ đồng, rất mong sự chung tay của cả nước để vực dậy.
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cho phép lực lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người hưởng lương là con em Quảng Bình nghỉ phép 7 ngày về gia đình khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Cùng ngày, Công an tỉnh Quảng Bình đã điều động 1.000 cán bộ chiến sĩ về các địa phương giúp khắc phục hậu quả bão gây ra. Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình, cho biết toàn bộ các đồn tuyến biển đều bị bão gây tốc mái 100% nhưng đơn vị vẫn huy động 300 cán bộ chiến sĩ về với dân khắc phục hậu quả bão số 10.
Tỉnh Quảng Trị đã lập 6 đoàn công tác đi kiểm tra, thăm hỏi động viên hàng trăm gia đình có người bị thương, bị thiệt hại sau bão số 10 và hỗ trợ mỗi gia đình thiệt hại do bão từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Quảng Trị tổ chức trao tặng 5 tấn mì ăn liền cho người dân Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi bão số 10.
Cả nước chung tay
Trước những thiệt hại, mất mát do cơn bão số 10 gây ra vừa qua cho đồng bào các tỉnh miền Trung, chiều 2-10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ. Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân bị mất, bị thương và gửi lời thăm hỏi ân cần đến toàn thể nhân dân các vùng bị nạn do bão lũ gây ra.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước hãy phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo” dành cho đồng bào vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra sự giúp đỡ thiết thực về vật chất, tinh thần để góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân. “Cuộc sống của gần 4 triệu người dân trong vùng bị thiệt hại, 1 triệu trẻ em, học sinh đang hết sức khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ che mưa, tránh nắng, phải nghỉ học khi vừa khai giảng năm học mới; lúa, hoa màu, gia cầm, gia súc mất mát, sản xuất và đời sống gặp nhiều khó khăn chưa thể phục hồi ngay được” - Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi. Tại buổi lễ, ban tổ chức đã nhận được hơn 28 tỷ đồng ủng hộ từ các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp.
| |
Cùng ngày 2-10, thường trực Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có cuộc họp khẩn cấp bàn phương án cứu trợ người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 10 mỗi tỉnh 200 thùng hàng gia đình. Tính đến thời điểm này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ 1.200 thùng hàng gia đình là 1.845.000 viên khử khuẩn Aquatabs (viên làm sạch nước); đồng thời, hỗ trợ mỗi gia đình có người bị thiệt mạng trong thiên tai 3 triệu đồng/người.
Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cũng quyết định trích 7 tỷ đồng giúp đỡ 6 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão số 10. Trong đó, Hà Nội hỗ trợ tỉnh Quảng Bình, nơi đang chịu thiệt hại nặng nhất 2 tỷ đồng; các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.
Trong 2 ngày 1 và 2-10, đoàn công tác cứu trợ và khám bệnh từ thiện của Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM đã tiến hành cứu trợ và khám bệnh cho người dân bị tàn phá nặng nề do bão số 10 ở các xã miền núi tỉnh Quảng Bình.
Lũ tiếp tục dâng cao Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, ngày 2-10, các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Do đó, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum đang lên nhanh. Đến chiều 2-10, lũ trên hầu hết các sông đang ở mức trên báo động 1, báo động 2. Dự báo, trong ngày 3-10, lũ trên các sông ở miền Trung tiếp tục lên và ở mức báo động 2, báo động 3. Tại Hà Tĩnh do mưa lớn kéo dài kết hợp với Nhà máy thủy điện Hố Hô xả 3 cửa tràn với khẩu độ 4,5m, lượng nước xả tràn 1.000m³/s tiếp tục gây ngập lũ, hàng trăm hộ dân bị nước lũ chia cắt, cô lập. Phòng GD-ĐT huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà đã quyết định cho gần 9.000 học sinh các cấp trên địa bàn được nghỉ học. Đến tối 2-10, toàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn 42 xã với 90.000 hộ dân chưa có điện sử dụng trở lại sau bão. |
NHÓM PV
Tìm thấy Phó Giám đốc tử nạn trên đường đi cứu trợ
(SGGP).- Sáng 2-10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cùng chiếc xe bị tai nạn. Theo thông tin bước đầu, vào tối 1-10, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ông Dũng và lái xe Nguyễn Minh Cường chở theo mì tôm, nước uống... đến với người dân vùng ngập lũ tại huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Đến khoảng hơn 22 giờ, khi chiếc xe 7 chỗ 37A-002.03 chạy theo quốc lộ 1A đến cách cầu Hoàng Mai khoảng 70m thì bị nước cuốn trôi. Lái xe đã may mắn thoát được ra ngoài, riêng ông Dũng cùng chiếc xe đã bị nước cuốn trôi và hiện thi thể ông Dũng đã được tìm thấy cùng chiếc xe.
Tin đồn vỡ đập thủy điện
Ngày 2-10, tại một số xã thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) xuất hiện tin đồn vỡ đập thủy điện đã làm cho hàng ngàn hộ dân bồng bế con cái, dắt trâu bò, ôm quần áo chạy lên núi để tránh lũ quét đã gây nên tình trạng hỗn loạn. Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp khẩn, cử lực lượng xuống các xã để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, thông tin vỡ đập thủy điện là tin đồn thất thiệt nên đã chỉ đạo các xã thông báo trên loa phát thanh để người dân yên tâm và trở về nhà.
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ 2.000m³/s
Theo ghi nhận của PV SGGP tại đập tràn thủy điện Đắk Mi 4 vào chiều 2-10 đã mở tất cả 5 cửa xả về sông Đắk Mi với lưu lượng 2.000m³/s. UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 dừng ngay việc phát điện để giảm gây ngập lụt nhà dân. Cũng trong ngày 2-10, do nước lũ dâng cao và gây ngập nhiều nơi, UBND huyện Phước Sơn chỉ đạo ngành giáo dục cho hơn 7.000 học sinh nghỉ học.
Vỡ bờ kè, 300 hộ dân ngập nặng
Rạng sáng 2-10, do mưa lớn, nước từ khu vực khai trường mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ đá ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đổ về dồn dập đã khiến hai tuyến bờ kè chống lũ khe Trung Dân, Trung Miệu bị vỡ chiều dài 50m, khoảng 300 hộ dân cùng hàng trăm hécta hoa màu ở bị ngập sâu trong nước từ 1,5-2m. Lực lượng tại chỗ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bolykhămxay (Lào) tổ chức ứng cứu, di dời sơ tán dân, tài sản, gia súc gia cầm thoát ra khỏi vùng ngập lũ nguy hiểm.
- Thông tin liên quan:
>> Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi toàn dân ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ
>> Bão đi, lũ về: Thiệt hại chồng chất