Tập trung nguồn lực thực hiện dứt điểm các quy hoạch

Trao đổi với PV Báo SGGP, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, nhận xét: Nhìn chung, quản lý phát triển TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu, hàng loạt khu đô thị mới hình thành, chỉnh trang đô thị hiện đại. 

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, như sự đầu tư xây dựng, cải tạo và phát triển thành phố chưa theo đúng tiến độ, bố cục không gian không như đồ án quy hoạch đề ra; quy hoạch nhiều mà thực hiện chậm dẫn đến “quy hoạch treo”, “dự án treo”; các dự án lớn triển khai rất chậm… Những bất cập này vừa gây thiệt hại về kinh tế, vừa gây thiệt hại về môi trường sống của người dân. Về nguyên lý, quy hoạch đô thị có một yêu cầu rất cơ bản đó là tính đồng bộ. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị, ngập úng chủ yếu là do việc đầu tư xây dựng (thực hiện quy hoạch) không đồng bộ gây ra.

Tập trung nguồn lực thực hiện dứt điểm các quy hoạch ảnh 1 Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM được quy hoạch với diện tích cây xanh chiếm tỷ lệ cao
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, phải chăng có nguyên nhân từ việc quá chú trọng đồ án quy hoạch mà thiếu chiến lược thực hiện quy hoạch đó?

TS VÕ KIM CƯƠNG: Ở các nước phát triển, người ta quản lý đô thị bằng chiến lược phát triển đô thị. Chiến lược này bao gồm hệ thống mục tiêu, giải pháp cơ bản, quy hoạch cấu trúc, các chương trình hành động, các dự án ưu tiên, kế hoạch thực hiện, đánh giá kết quả và điều chỉnh. Với chiến lược như vậy, việc quy hoạch (ý đồ phát triển) sẽ gắn chặt với quá trình thực hiện, nhất là trong sự tác động của thị trường.

Chúng ta có Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, nhưng không có luật về quản lý phát triển theo chiến lược phát triển đô thị. Nội dung của đồ án quy hoạch đô thị về cơ bản như một bản thiết kế, tức là nặng về các mục tiêu, chỉ tiêu hơn là các giải pháp và kế hoạch thực hiện. Các đề án quy hoạch kinh tế xã hội cũng như đồ án quy hoạch đô thị mặc dù có tính pháp lý nhưng mang nhiều nội dung hướng dẫn hơn là quy phạm pháp luật. Do đó, dường như rất ít trường hợp có thể quy kết trách nhiệm và chế tài khi không thực hiện hoặc thực hiện chậm. Mặt khác, các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển đều là dự báo.

Ý ông là sau khi có quy hoạch cần có các chiến lược thực hiện quy hoạch đó?

Đúng vậy. Mặc dù thành phố không lập chiến lược phát triển đô thị như ở các nước, nhưng trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị, vẫn cần có chiến lược thực hiện các quy hoạch đó. Đây là loại chiến lược trong chiến lược, lấy các mục tiêu được thiết kế trong các đồ án quy hoạch được duyệt làm mục tiêu để lập chiến lược (bao gồm các mục tiêu cụ thể, giải pháp, kế hoạch hành động và đánh giá kết quả…) làm công cụ cho chính quyền tổ chức thực hiện quy hoạch. Thật ra thời gian qua ít có nội dung cụ thể như thế.

Vậy chiến lược thực hiện quy hoạch nên như thế nào, thưa ông?

Trước đây, quy hoạch thực sự là một đồ án thiết kế, giống như thiết kế một tòa nhà, đồ án thiết kế quy hoạch được duyệt, coi như nhà quy hoạch đã hoàn thành nhiệm vụ. Bản thiết kế được hệ thống hành chính triển khai thực hiện theo kế hoạch nhà nước. Nguồn kinh phí, nhân lực, đất đai đều trong tay nhà nước và khá chủ động điều phối theo kế hoạch. Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, quy hoạch cũng vẫn là bản thiết kế nhưng lại để cho nhiều người thực hiện theo sự quản lý của chính quyền, chứ không phải do chính quyền trực tiếp thực hiện.

Quy hoạch trở thành công cụ pháp lý của chính quyền để quản lý phát triển. Nội dung của quy hoạch vừa phải có mục tiêu, định hướng phát triển chung của đô thị (cho toàn dân thực hiện), vừa phải có các giải pháp cụ thể của chính quyền, xác định được các công việc, trách nhiệm cụ thể của chính quyền trong việc thực hiện đề án quy hoạch.

Ông có thể nói rõ hơn đó là những việc gì?

Chính quyền có thể chủ động thực hiện. Muốn thế phải có hai năng lực cơ bản là tiền và quyền (giống như chủ một doanh nghiệp). Còn nếu hạn chế thì phải khai thác mọi nguồn lực để phục vụ sự nghiệp phát triển đô thị. Chính quyền chỉ làm những việc mà tự dân không thể làm được. Cụ thể, tổ chức đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng; kích thích phát triển kinh tế theo định hướng quy hoạch (kích cung, kích cầu); chú trọng tạo lập và bảo vệ hành lang pháp lý; xây dựng hệ thống thông tin và cung cấp thông tin cho thị trường… Mỗi một công việc đều có mục tiêu, đánh giá kết quả, phương pháp thực hiện, trách nhiệm, nguồn lực, kế hoạch thực hiện, kiểm tra và điều chỉnh. Đó là nội dung của chiến lược thực hiện quy hoạch.

Trở lại vấn đề bất cập trong quản lý phát triển đô thị của TPHCM, những bất cập đó liên quan nhau như thế nào?

Mỗi một hiện trạng bất cập, công việc không được hoàn thành như mong muốn đều có nguyên nhân. Nếu có điều kiện nên nghiên cứu từng hiện trạng bất cập, đối chiếu, đánh giá từng công việc để xác định các nguyên nhân. Ví dụ, đối với hiện tượng chậm thực hiện các dự án, nhiều ý kiến cho rằng, do chúng ta không chủ động được kinh phí để thực hiện, nhiều dự án cần làm nhưng không có tiền… Theo tôi, đây không phải là nguyên nhân, vì bản chất của kinh tế thị trường là chính quyền không chủ động kinh phí. Mà bất cập ở chỗ chúng ta đặt kỳ vọng quá lớn nhưng lại không nghĩ tới thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực để hiện thực kỳ vọng đó. Nhiều dự án công trình giao thông bị chậm, nguyên nhân được xác định là do chậm giải phóng mặt bằng. Ai cũng biết giá đền bù cho một vài hộ dân không là bao so với thiệt hại của một dự án lớn chậm tiến độ hàng năm trời. Ai có trách nhiệm về định giá, ai chịu trách nhiệm khi chậm tiến độ, dường như không được xác định rõ ràng. Nếu có kỷ luật trách nhiệm cá nhân rõ ràng thì các công trình không chậm tiến độ nhiều năm như vừa qua.

Tin cùng chuyên mục