Thời gian qua, Long An là một trong những địa phương quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu mang lại những kết quả khích lệ. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An đã chia sẻ với chúng tôi những ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh nhà.
Để khắc phục các mặt hạn chế trên và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là cần thiết.
° Phóng viên: Vậy tỉnh triển khai thực hiện đề án nông nghiệp công nghệ cao thế nào, thưa ông?
° Ông LÊ VĂN HOÀNG: Sau khi xác định nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho nông dân… tháng 3-2016, BCH Đảng bộ tỉnh Long An có Nghị quyết số 08-NQ/TU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung thực hiện chương trình này.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và thành lập tổ giúp việc ban chỉ đạo. Cấp huyện cũng thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc; các sở ban ngành, đoàn thể tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các xã trong vùng dự án cũng có nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện rộng rãi đến từng hộ dân. Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2017-2020 và cụ thể hóa kế hoạch thực hiện hàng năm...
° Đến nay, đề án nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đạt được kết quả thế nào, thưa ông?
° Thời gian qua, chúng tôi thực hiện quy hoạch và tổ chức lại sản xuất đối với 4 mặt hàng chủ lực của đề án là cây lúa, cây thanh long, rau và nuôi bò thịt. Về quy hoạch, tỉnh đã và đang rà soát để điều chỉnh. Đối với việc tổ chức lại sản xuất thì thông qua tuyên truyền, người dân nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò liên kết sản xuất, nhất là tại các vùng triển khai đề án; nhờ đó, việc vận động thành lập tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được thuận lợi. Đến cuối tháng 2-2018, toàn tỉnh có 27 HTX thành lập mới, củng cố 11 HTX; thành lập 60 THT.
Đồng thời, UBND tỉnh phê duyệt danh sách 16 HTX điểm ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng 45 mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, diện tích 2.844ha. Kết quả, tiết kiệm được chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn 2 - 3 triệu đồng/ha so với sản xuất bên ngoài. Riêng vụ Đông Xuân 2017-2018 có 23 mô hình (1.193ha) gieo sạ theo lịch khuyến cáo nên đạt lợi nhuận cao hơn từ 5 - 10 triệu đồng/ha. Thông qua các mô hình, nhiều nông dân tự áp dụng máy cấy trong sản xuất, ứng dụng bón lót phân hữu cơ, chế phẩm sinh học... với diện tích trên 2.000ha.
Đối với sản xuất rau màu công nghệ cao, đã xây dựng được 14 mô hình với tổng diện tích 633ha; xây dựng 21 nhà lưới, 5 nhà màng, lắp đặt 3 hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm nước. Tại các vùng trồng rau còn xây hố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật nên cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn. Các mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đã giúp tăng năng suất 5% - 20% và lợi nhuận cao hơn từ 20 - 70 triệu đồng/ha so sản xuất bên ngoài.
Ở vùng trồng cây thanh long đã xây dựng 14 mô hình, diện tích 302ha ứng dụng công nghệ cao, có kết hợp sản xuất VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, tưới nước tiết kiệm… Kết quả cho thấy, mô hình tưới nước này đã giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm lượng điện, nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thu phân bón... lợi nhuận tăng khoảng 3 - 5 triệu đồng/ha. Riêng việc chăn nuôi bò thịt, tỉnh đang thành lập các THT và HTX để triển khai mô hình công nghệ cao.
° Đâu là những khó khăn và hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh trong thời gian tới?
° Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dù đạt những kết quả khả quan nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Các mô hình thực hiện bước đầu có kết quả, tạo sức lan tỏa và sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, một số nông dân ở vùng sản xuất lúa vẫn muốn canh tác 3 vụ lúa/năm nên việc vận động gieo sạ đúng lịch còn khó khăn; tình hình liên kết bao tiêu sản phẩm còn hạn chế, nhất là cây lúa. Yêu cầu về nguồn điện phục vụ sản xuất rất cao nhưng nhiều nơi chưa đáp ứng. Sự phối hợp giữa các sở ngành có chuyển biến nhưng chưa đạt hiệu quả cao...
Tới đây, tỉnh Long An tập trung quyết liệt cho nông nghiệp công nghệ cao. Phấn đấu đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 7.500ha sản xuất lúa, 1.000ha sản xuất rau, 1.200ha sản xuất thanh long và 6 mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng 13 HTX điểm sản xuất ứng dụng công nghệ cao làm điểm để tuyên truyên, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân áp dụng. Xây dựng 1 mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất rau. Khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch nông lâm ngư nghiệp đến năm 2030, bản đồ bố trí mùa vụ sản xuất để làm căn cứ cho các địa phương quản lý, chỉ đạo sản xuất.
Rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố để tạo điều kiện tiếp nhận các dự án đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng 61 mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ THT, HTX sản xuất đạt chứng nhận GAP để tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm. Đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận lợi…
*Xin cảm ơn ông!