Đông Hải là huyện có bờ biển dài nhất ở tỉnh Bạc Liêu, kinh tế của huyện cũng chủ yếu dựa vào biển. Đông Hải đang vươn ra biển lớn.
Sôi động cảng cá Gành Hào
Bạc Liêu có 56km bờ biển thì huyện Đông Hải đã chiếm một nửa (23km), còn lại thuộc huyện Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu. Tuy chưa thể so với cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) nhưng sự sầm uất ở Gành Hào cũng đã được khẳng định. Cảng cá Gành Hào nằm trong thị trấn cùng tên, huyện lỵ của Đông Hải và được coi là công trình có ý nghĩa rất lớn trong việc đẩy mạnh phát triển tiềm năng kinh tế biển.
Năm 2008, bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng cảng cá Gành Hào, cơ sở sửa chữa tàu thuyền... “Đông Hải có 2 cửa biển lớn là cửa Cống Cái Cùng và cửa Gành Hào nhưng Gành Hào sôi động nhất do gắn với cảng cá. Bà con đi biển đánh bắt quanh năm, vô mùa gió bão nhiều khi lại trúng hơn. Ngoài tàu ghe đánh bắt còn có hàng chục chiếc làm dịch vụ hậu cần (tiếp tế đá, dầu, lương thực và thu mua hải sản…)”, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Bùi Minh Túy chia sẻ. Mùa mưa, cảng cá Gành Hào như sôi động hơn khi mỗi ngày có 4-5 tàu lớn bỏ neo cặp bến đợi bốc hàng. Một hàng người nối nhau chuyền từng thùng cá đủ loại từ hầm tàu lên bờ. Tiếng máy chạy xay đá bào để ướp cá rít không ngừng nghỉ. Cá được xe đẩy chuyển vô nhà cho công nhân phân loại, xếp gọn vô thùng xốp, chất lên ô tô rồi lăn bánh tỏa đi các nơi giao hàng...
Nhộn nhịp ở cảng cá Gành Hào
Ngoài hơn 4.000ha đất bãi bồi ven biển, Đông Hải còn sở hữu trên 9.600km2 mặt nước biển (vùng đặc quyền kinh tế). Gành Hào cũng có lực lượng tàu thuyền khá hùng hậu, khoảng trên 600 chiếc. Nhà nước hỗ trợ bà con máy định vị, tầm ngư; xây dựng một số đèn báo bão ven bờ để định hướng, hỗ trợ ngư dân khi có thiên tai; thành lập các tổ tự quản trên biển... Dân đi biển “điệu nghệ”, có gia đình đã 3-4 thế hệ bám biển mưu sinh. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt thủy sản mỗi năm đều tăng (năm 2015 ước tính hơn 50.000 tấn).
Nét mới nghề biển
Cái hay của huyện Đông Hải là từ năm 2012 đã thành lập được 8 “Tổ ngư dân tự quản về an ninh trật tự (ANTT) trên biển” với khoảng 200 người. Nhờ vậy bà con ngư dân nâng cao được ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo; phòng chống tội phạm trên biển; đoàn kết tương trợ khi có sự cố, vận chuyển hàng hóa, thông báo ngư trường; phối hợp với cơ quan chức năng nắm chắc diễn biến tình hình, quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động trên biển. Nhờ vậy nhiều vụ chìm tàu, trộm cắp tài sản, vận chuyển mua bán trái phép dầu DO trên biển, tàu thuyền lạ vi phạm chủ quyền vùng biển... được nhanh chóng phát hiện, xử lý. “Có thể nói, mô hình này đánh dấu một bước ngoặt trong công tác giữ gìn ANTT trên biển, tạo hiệu quả rất tốt cho việc phát triển nghề biển của bà con nơi đây”, Trung tá Trần Minh Trí, Phó Trưởng công an huyện Đông Hải, xác nhận. Đây là mô hình sáng tạo, duy nhất trong nghề biển của Bạc Liêu.
Theo ông Bùi Minh Túy, hiện Đông Hải đã cho vay đóng mới tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 được 4 chiếc với tổng số tiền trên 60 tỷ đồng (15 tỷ đồng/chiếc, vốn bà con đối ứng 30%). Ông Hồ Công Doãn, 44 tuổi (ấp 2, thị trấn Gành Hào) đi biển hơn 30 năm, có nước da đen sạm, dạn dày nắng gió, giọng nói sang sảng. Ông là người được xét đóng tàu vỏ gỗ mới để đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67. “Chỉ những ngư dân làm ăn hiệu quả mới được xét nha anh. Tàu công suất 100CV chạy xa nhất chỉ hơn 30 hải lý, nay đóng mới lên 650CV thì vươn xa đến mấy trăm hải lý. Riêng giàn lưới cho tàu này cũng tròm trèm 8 tỷ đồng rồi. Tàu 100CV đóng khoảng 800 triệu đồng/chiếc và nếu gặp may, chỉ một chuyến biển xa, dài ngày có khi thu bạc tỷ, đã lắm. Còn tàu 650CV khi đóng xong thì ngư trường truyền thống quanh quẩn Hòn Khoai, Phú Quốc… sẽ được mở rộng ra tận miền Trung hay Hoàng Sa Trường Sa luôn”, anh Doãn hào hứng nói vậy.
Nhưng “dữ” nhất xứ này, cả tỉnh Bạc Liêu nữa là anh Liên Văn Lợi, chủ của 4 chiếc tàu đang chủ động đóng mới, không chờ vốn từ Nghị định 67, một chiếc công suất tới hơn 900CV, sức chứa hơn 400 tấn thủy sản. Nhiều đời bám biển, hơn chục năm làm nghề dịch vụ biển “quần thảo” ngư trường Trường Sa. Riêng số vốn lưu động lênh đênh trên biển của anh đã hơn 70 tỷ đồng...
Khu kinh tế biển trọng điểm
Kinh tế của huyện Đông Hải những năm qua tiếp tục ổn định và phát triển, tổng sản phẩm xã hội (GDP) là 9.986 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,6%/năm. Tổng sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trong nhiệm kỳ vừa qua đạt 547.000 tấn, trong đó 189.302 tấn tôm (đạt 113% chỉ tiêu nghị quyết). Sản lượng nuôi trồng đạt 283.500 tấn; khai thác, đánh bắt 263.500 tấn thủy sản…Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 trên 36 triệu đồng, tăng gấp hai lần so với năm 2010.
“Nhằm hỗ trợ ngư dân, Đông Hải đang xét cho vay theo từng chuyến ra biển”, ông Túy cho biết. Cảng cá Gành Hào sẽ được mở rộng quy mô diện tích, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão; cảng nước sâu Cái Cùng cũng đang kêu gọi đầu tư. Ông Bùi Minh Túy còn cho biết, sắp tới một nửa số phương tiện sẽ định hướng đánh xa bờ công suất lớn, trang thiết bị hiện đại; phát triển mới các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, cơ khí, sản xuất nước đá, ngư lưới cụ…).
Đông Hải đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển tiềm năng kinh tế biển, từng bước trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển của Bạc Liêu. Công trình điện gió Bạc Liêu sẽ đi qua Đông Hải 8km; tỉnh đang đề nghị thành lập khu kinh tế biển Gành Hào, quy hoạch các đường giao thông trục ngang nối vùng biển Bạc Liêu với vùng biển phía Tây; triển khai các dự án nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, khu sản xuất giống tập trung; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng đồng muối (huyện có 1.935ha làm muối, sản lượng hàng năm đạt trên 100.000 tấn muối), triển khai xây dựng kho dự trữ muối quốc gia; sắp xếp các cụm, khu dân cư ven biển theo hướng hiện đại, gắn với phát triển du lịch ven biển...
Con đê biển Đông Hải sừng sững chắn sóng. Sản vật từ biển tươi rói được bày bán dọc con đường trở về thành phố. Đông Hải đang vươn ra biển lớn.
VŨ THỐNG NHẤT