Khép lại một năm mưa thuận gió hòa với những chuyến ra khơi nếu không kể sự rập rình của “tàu lạ”, ngư dân miền Trung lại đang phấn khởi tất bật đưa tàu vào các xưởng nâng cấp, sửa chữa máy móc; tỉ mẩn phủ lên thân tàu những lớp sơn sặc sỡ để chuẩn bị bước vào mùa biển mới, tiếp tục hy vọng về một mùa vụ bội thu...
Những đợt không khí lạnh liên tục tràn về khiến tiết trời lạnh giá, mặt biển phủ dày những lớp sương mù nhưng ở xưởng đóng tàu cá xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) những người thợ vẫn mình trần, tay chân lấm lem sơn, dầu mỡ đang cúi gập, hì hục quét, đẽo, sơn, sửa hầm đá trên tàu. Tiếng máy quay búa, đóng gõ ở triền đà vang lên đều đặn khiến cả làng chài nhộn nhịp.
Ngư dân Nguyễn Thanh Hoàng, thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, cho biết: “Thời gian này hàng năm, các tàu vẫn đang tiếp tục đánh bắt trên biển, nhưng năm nay biển êm, đi nhiều chuyến rồi. Sau một năm quăng quật với sóng gió biển khơi, thân tàu sờn nước sơn, ván lỏng, chân vịt, máy móc đều phải tu sửa, thay mới”.
Con tàu 180 CV của anh Bùi Ngọc Xô cạnh bên cũng đang được toán thợ xem lại máy móc và thay ván thân tàu. Tàu anh Xô làm nghề pha xúc, đánh bắt trên vùng biển Quảng Ngãi từ tháng 8 đến tháng 2 Âm lịch; từ tháng 5 đến tháng 7, khi nước đổi dòng, cá di chuyển vào phía Nam nên giong tàu theo để đánh bắt. Anh Xô vui vẻ khoe: “Kết thúc mùa biển, mỗi bạn thuyền kiếm được 40 triệu đồng, còn chủ tàu kiếm được 100 triệu đồng”.
Ở một góc triền đà, con tàu đóng mới gần 500 CV của anh Trần Dũng thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn) cũng sắp hoàn thành. Để đóng được tàu lớn, anh Dũng đã trải qua bao năm tháng lăn lộn với biển khơi. Đây là con tàu anh Dũng hùn vốn cùng bà con trong họ hơn 1,5 tỷ đồng đóng mới. “Đánh cá bằng tàu lớn, hiệu quả sẽ cao hơn” - anh Dũng chia sẻ. “Tàu hạ thủy, chuyến biển đầu tiên anh em sẽ trực chỉ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa” - chủ tàu Dũng nói chắc nịch. Con tàu lớn đi kèm những thiết bị hiện đại như máy dò quét, bộ đàm, máy định vị và các giàn lưới dài cả trăm mét đang là niềm hy vọng của chủ và các bạn tàu về những chuyến biển bội thu.
Ông Võ Văn Đi, chủ cơ sở đóng tàu thuyền xã Tịnh Kỳ, cho biết: “Mùa biển năm nay kéo dài hơn mọi năm vì biển yên. Mặc dù tàu thuyền tu sửa, đóng mới ít hơn năm ngoái, chỉ khoảng 50 chiếc/tháng, nhưng đa số các chủ tàu đều bỏ kinh phí lớn để sửa chữa hoặc đóng mới tàu công suất lớn, chứng tỏ năm qua làm ăn khấm khá”.
Vũng neo trú tàu thuyền xã An Hải (huyện Lý Sơn) những ngày cận tết lại nhộn nhịp và náo nhiệt hơn. Hàng trăm tàu cá công suất lớn đang hối hả chuyển ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm xuống tàu. Với ngư dân Lý Sơn đây là phiên biển cuối mùa nhưng cũng sẽ kéo dài qua năm mới. Với quan niệm rằng, năm qua biển đã đem đến những niềm vui, vậy nên kết thúc một năm lao động vất vả trên biển và cũng bắt đầu mùa đánh bắt mới ngay trên biển.
Theo tính toán của ngư dân Dương Thọ, thuyền trưởng, kiêm chủ tàu cá QNg 96516 TS công suất 320 CV, ở thôn Tây (An Hải) đi chuyến này nếu may mắn cá sớm đầy khoang thì sẽ quay mũi tàu về quê ăn tết, còn không thì sẽ đón năm mới ngay trên biển, vì mùa này luồng cá hay xuất hiện nhiều. Theo thuyền trưởng Thọ, mùa biển năm 2012 tàu của ông vươn khơi được 9 chuyến tại ngư trường Trường Sa. Thu nhập trung bình một lao động trên tàu đạt trên 120 triệu đồng. Mỗi chuyến biển như vậy kéo dài cả tháng, khi quay về bờ, trên 10 tấn hải sản đã nằm gọn trên tàu.
Không chỉ ông Thọ, thời điểm này, hàng trăm tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang tranh thủ thời tiết biển thuận lợi đồng loạt cho tàu ra khơi trong chuyến biển cuối cùng trong năm, để kiếm tiền tu sửa tàu, mua mới ngư lưới cụ chuẩn bị cho một mùa biển mới được bắt đầu sau Tết Nguyên đán.
Ông Mai Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết: “Năm 2012 ngư dân trong xã khai thác được trên 16.000 tấn hải sản các loại, nhiều hơn mọi năm. Hiện toàn xã có trên 100 phương tiện tàu cá, trong đó có trên 50 tàu cá công suất lớn đang tham gia khai thác tại ngư trường xa bờ. Năm hết tết đến, họ tất bật lắm. Ai cũng háo hức vì năm vừa rồi đánh bắt hiệu quả. Hy vọng một năm mới trời yên biển lặng để ngư dân hăng hái vươn khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
HÀ MINH