Tất bật trầu Vị Thủy ngày tết

Tất bật trầu Vị Thủy ngày tết

Những ngày giáp tết, không khí lao động tại làng trầu Vị Thủy (Hậu Giang) rất tất bật, khẩn trương. Dây trầu ở Vị Thủy hiện nay không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc qua bao thế hệ.

Hái lá ở làng trầu Vị Thủy

Chị Hồ Thanh Thoảng, người đã gắn bó với làng trầu này trên 30 năm, nói: “Giá cả năm nay tăng khoảng 20%, mà không đủ trầu để bán, tiếc lắm...”. Làng trầu Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đã có trên 100 năm, nơi trồng nhiều nhất là các ấp 5, 7, 8. Bà  Võ Thị Tám, 80 tuổi, gắn bó với làng trầu trên 60 năm, kể lại: “Nghề trồng trầu tại đây đã rất lâu đời, cao điểm có hơn 200 hộ trồng với diện tích 30ha. Ở ấp 5 này hầu như nhà nào cũng trồng trầu bởi thu nhập khá ổn định. Hộ trồng nhiều nhất khoảng 4.000 nọc, hộ ít cũng có 400 nọc. Hiện giá bán tại vườn 1.800 đồng/ốp, mỗi ốp trầu có 40 lá đạt tiêu chuẩn to, màu sắc đẹp, không bị đốm lá”. Những năm trở lại đây, đầu ra sản phẩm không ổn định, nhiều hộ dân đã phá bỏ vườn trầu để trồng các loại cây ăn trái khác.

Theo nhiều hộ trồng trầu lâu năm, trồng trầu không nặng công chăm sóc, không cần nhiều diện tích, có thể tranh thủ trồng ở những khoảnh đất hẹp, nhưng cần quan tâm đến các yếu tố như: nọc trầu phải bằng cây tràm, vì vỏ tràm bám rất chắc vào thân cây tạo điều kiện cho rễ dây trầu bám và phát triển tốt; khi hái lá phải lựa chọn lá đạt chuẩn, số lá còn lại sẽ hái đợt tiếp theo cách đợt trước khoảng 10 ngày; khi hái không làm dập đọt non đang phát triển. Người trồng còn phải làm giàn để hái lá trên cao. Khi ngọn vượt khỏi giàn thì cắt đọt trầu...

Chị Hồ Thanh Thoảng, cho biết thêm: “Trên diện tích 1.000m2 có thể trồng 1.000 - 1.200 nọc, mỗi tháng thu hoạch 3 lần, trừ chi phí đầu tư, có lãi 7 - 8 triệu đồng. Giá thuê hái lá trầu hiện từ 120.000 - 150.000 đồng/người/ngày cũng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương”. Điều đáng mừng là hiện nay trầu còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan.

TÔ PHỤC HƯNG

Tin cùng chuyên mục