Tây Nguyên căng mình chống hạn

Tây Nguyên căng mình chống hạn

Tại các tỉnh Tây Nguyên, hiện các ao hồ, sông suối đã bắt đầu khô cạn, một số nơi do thiếu nước trầm trọng làm cây cà phê khô héo, rụng lá. Vì thế, ngành chức năng địa phương đang rốt ráo tập trung toàn lực để triển khai công tác chống hạn, còn nông dân trắng đêm “mót” từng hạt nước từ ao, hồ để mong có nước tiếp tế cứu cây cà phê.

“Mót” nước cứu cà phê

Mới vào đầu mùa khô, nhưng mực nước các ao hồ, sông suối tại nhiều huyện chuyên trồng cà phê lớn ở Đắk Lắk như: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Pắk… đã trụt giảm, cạn khô. Con đường đất đỏ nối từ xã Quảng Tiến ra hồ Ea Đrơng (xã Ea Pốk, huyện Cư M’gar) tấp nập xe cày chở ống nước, máy bơm. Hồ Ea Đrơng có diện tích khoảng 3ha nhưng hiện đã khô cạn, chỉ còn nước ở những vùng lõm. Trên hồ hiện có 10 máy bơm đua nhau vét nước. Ông Ngô Xuân Biện, Phó phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, cho biết: “Hạn bắt đầu từ sau tết âm lịch. Trong số 51 hồ chứa trên địa bàn hiện chỉ có 4 hồ có nước chứa đảm bảo, 3 hồ nước khô cạn, số còn lại nằm ở mực nước chết. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 10 con suối nhỏ đã trơ đáy. Nếu hạn kéo dài nửa tháng nữa thì sẽ có khoảng 3.000 đến 4.000ha cà phê  (toàn huyện có 35.000ha cà phê) thiếu nước”.

Nông dân huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) huy động máy bơm để bơm nước.

Có mặt tại vườn cà phê của ông Nguyễn Hồng Phúc (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar), ông đang hối hả chỉ đạo 4 công nhân nạo vét giếng để tìm nước. Sau tết âm lịch, 2 giếng nước có độ sâu 25m của ông Phúc đã trơ đáy. Hàng trăm cây cà phê do thiếu nước nên có hiện tượng khô nhánh, rụng lá. Để cứu cà phê, vợ chồng ông thuê người đào giếng sâu thêm 3m, đồng thời dùng mũi khoan nhỏ khoan tỏa rộng ra xung quanh 50m để bắt mạch nước ngầm. “Tổng chi phí để đào, vét, mở rộng 2 giếng khoảng 20 triệu đồng. Nếu vẫn không đủ nước tưới thì chỉ đành chịu”, ông Phúc than.

Tại Đắk Nông, nắng hạn đang càn quét ở các huyện Cư Jút, Đắk Mil. Có mặt tại hồ Sơn Trung (thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil), người dân nơi đây đang lao mình vào “cuộc chiến” giành nước tưới cho cây cà phê. Hồ Sơn Trung mọi năm cung cấp đủ nước tưới cho hàng trăm hécta cà phê từ đầu đến cuối vụ, nhưng năm nay mới tưới đợt 2 đã cạn khô. Các máy bơm vươn những chiếc “vòi rồng” dài hàng chục mét ra đáy hồ để gạn những giọt nước còn lại. Tại Gia Lai, có khoảng 500ha cà phê và hoa màu bị hạn nặng, có nguy cơ thất thu, tập trung ở các huyện Krông Pa, Ia Pa và Chư Păh. Từ giữa tháng 9-2014 đến nay, nhiều nơi trên địa bản tỉnh hầu như không có mưa, có nơi lượng mưa giảm từ 15% - 20%. Mưa ít, kéo theo lượng nước dự trữ ở các ao hồ, sông suối đều giảm mạnh. Ông Lê Thanh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi-Thủy sản Gia Lai, cho biết: “Toàn tỉnh hiện có trên 330 công trình thủy lợi kiên cố. Hầu hết các công trình này đều đang trong tình trạng giảm mạnh về nguồn nước dự trữ”.

Còn theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, tỉnh hiện có 426 công trình thủy lợi, mực nước trong các hồ, đập giảm khoảng 10% so với mọi năm. Tại các hồ chứa vừa và nhỏ mực nước đều xuống mức thấp, nhiều hồ đã xuống dưới mực nước chết hoặc khô hạn. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 152.274ha cà phê, trong đó nhiều nơi đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán cao, tập trung nhiều nhất ở các huyện như: Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng.

Tại tỉnh Kon Tum, mực nước ở các con sông, suối đang cũng đang giảm mạnh. Lượng nước trên sông Pô Kô đạt thấp hơn  5-15 % so với trung bình nhiều năm trước, trong khi ở các con sông khác như: Đắk Tờ Kan, Đắk Pxi, Đắk Bla… thấp hơn từ 15-30%. Trong số 70 hồ chứa đang tích nước, hiện mực nước ở các hồ chứa thấp hơn cao ngưỡng tràn từ 0,2-1,5m đối với hồ chứa lớn, khoảng 1,5 - 3m đối với hồ chứa nhỏ… Theo Sở NN-PTNT Kon Tum, tổng diện tích cây cà phê có khả năng khô hạn, thiếu nước của tỉnh khoảng 875ha, chủ yếu các huyện, thành phố như:  Kon Tum, Sa Thầy, Đắk Hà…

Tổng lực chống hạn

Trước tình hình đó, ngay từ đầu vụ đông xuân, các tỉnh Tây Nguyên đã huy động mọi nguồn lực để tập trung chống hạn. Tỉnh Kon Tum đã đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ cho tỉnh khoảng 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, nạo vét, phát dọn kênh mương nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại do hạn hán gây ra. Còn tại Gia Lai, Công ty TNHH Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh đề ra các giải pháp chống hạn như: Xây dựng kế hoạch chống hạn cụ thể với từng công trình; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với hộ dùng nước để điều tiết nước tưới hài hòa, tiết kiệm. Áp dụng kỹ thuật tưới phun cho cây công nghiệp. Hướng dẫn các hộ dùng nước có biện pháp lấy nước từ ao hồ, sông suối, giếng đào tự có gần nhất nhằm bổ sung kịp thời nguồn nước tưới nếu xảy ra hạn.

Để giảm bớt thiệt hại do tình trạng khô hạn, hiện tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch giúp đỡ nông dân đào ao với hình thức người dân hiến đất, nhà nước hỗ trợ máy móc thiết bị đào nhằm mục đích tích trữ nước tại các vùng chưa có hồ đập, sông suối chảy qua. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương điều tiết nước trong các hồ đập, tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tiết kiệm nước, phối hợp với ngành điện lực chung tay giúp đỡ người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Còn TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đề xuất: Về lâu dài, các tỉnh Tây Nguyên cần khuyến khích người dân trồng các loại cà phê chín muộn (như cà phê TR14, TR15, TR16) ở những vùng hay thiếu nước. Các loại giống cà phê chín muộn trên được bình tuyển trong quá trình sản xuất, có ưu điểm là chịu hạn tốt hơn so với giống thường, chất lượng cao, cà phê thu hoạch trong mùa khô nên hạn chế được tỷ lệ đen mối, làm tăng chất lượng cà phê. Nhà nước nên tập trung đầu tư các công trình thủy lợi chuyên tưới cho cà phê và nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao. Về lâu dài nên xây dựng các hồ đập lớn, nhưng trước mắt ưu tiên xây dựng nhiều đập treo nhỏ để đỡ tốn kém. Việc làm này có ưu điểm là ngoài việc dễ dàng cung cấp nước tưới cho cà phê, còn cải tạo được khí hậu,  hạn chế lũ quét, xói mòn, rửa trôi do bão, lũ gây ra.

Chiều 14-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về công tác phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh.

Ninh Thuận là tỉnh khô hạn, từ đầu năm đến nay không mưa, lượng nước tại các hồ hiện chỉ còn 13,76% dung tích thiết kế. Theo dự báo tình hình nắng hạn còn kéo dài và diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất sinh hoạt của người dân.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai phương án ứng phó trước mắt, ngắn hạn và dài hạn, không để đồng bào bị đói, khát, dịch bệnh, nhất là đồng bào vùng dân tộc, miền núi.

Bên cạnh tiếp tục hỗ trợ nước sinh hoạt, nước uống cho nhân dân vùng thiếu nước phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Đa Nhim thực hiện điều tiết có hiệu quả lượng nước xả từ Nhà máy phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Phó Thủ tướng lưu ý Ninh Thuận chú trọng công tác phòng chống cháy rừng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần ứng cứu chữa cháy khi có xảy ra cháy rừng... 

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục