Là loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao nhưng hiện nhiều diện tích cà phê ở Tây Nguyên đã già cỗi, năng suất thấp. Cải tạo hoặc tái canh diện tích cà phê già cỗi này là điều được quan tâm, tuy nhiên, việc thực hiện gặp không ít khó khăn.
Với diện tích hơn 450.000ha cà phê, Tây Nguyên được xem là “thủ phủ” cà phê của cả khu vực Đông Nam Á. Nhưng theo thống kê có gần 40% diện tích cà phê của toàn vùng Tây Nguyên đã già cỗi (hơn 20 năm tuổi), tương đương với hơn 120.000ha cà phê. Theo tính toán, đến năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000ha cà phê già cỗi và năm 2017 là 350.000ha, chiếm 60% diện tích cà phê cả nước.
Để giải quyết thực trạng chất lượng vườn cây ngày càng xấu đi, cho năng suất thấp, nhiều người dân ở các tỉnh Tây Nguyên đã nghĩ đến việc phá đi trồng lại nhưng vẫn nhiều thứ lo. Ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Ia Yok, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), cho rằng việc tái canh cây cà phê luôn gặp khó khăn vì việc đốn bỏ cà phê để trồng lại sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của nông dân. Rồi chi phí tái canh cũng là nỗi lo lớn của người trồng cà phê. Tính toán cho thấy, với chi phí tái canh bao gồm giống, phân bón, kỹ thuật chuyển giao công nghệ… cho 1ha cà phê từ 100 - 160 triệu đồng.
Không chỉ nông dân, việc tái canh cà phê cũng là vấn đề “đau đầu” đối với các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai (tỉnh Gia Lai), việc tái canh của công ty đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm hầu hết các ngân hàng đều thắt chặt tín dụng. Do vậy, đơn vị mới chỉ tái canh được hơn 100ha trong tổng số gần 300ha cà phê già cỗi.
Còn ông Hoàng Văn Cách, Phó Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2 (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam), cho hay các công ty cà phê trực thuộc tổng công ty đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên có diện tích tương đối lớn. Việc tái canh vườn cà phê khai thác lâu năm cần vốn lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng, vốn tự có của doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Vấn đề này cũng cần được các ngân hàng thương mại xem xét để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cho vay với vốn ưu đãi với thời gian dài hạn. Nếu 3 - 5 năm đã phải trả nợ thì lực “mỏng”, không đảm bảo được.
Để gỡ khó cho người trồng cà phê, Ngân hàng NN-PTNT đã triển khai gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng cho tái canh cà phê tại Tây Nguyên. Đến nay, chương trình đã được các tỉnh trong khu vực đồng loạt triển khai và bước đầu góp phần giải quyết khó khăn về vốn cho nông dân. Tại Lâm Đồng, hệ thống ngân hàng NN-PTNT trên địa bàn đã giải quyết cho trên 1.000 khách hàng vay hơn 83 tỷ đồng để đầu tư tái canh cà phê trên diện tích 2.362ha.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, cho biết khách hàng vay đầu tư tái canh cà phê được hưởng nhiều ưu đãi như lãi suất thấp hơn so với vay thông thường 1,5%/năm và được vay 70% trên tổng mức đầu tư (riêng những hộ đầu tư công nghệ cao được vay đến 80% trên tổng mức đầu tư), không phải trả nợ gốc trong quá trình kiến thiết cơ bản (3 năm)…
Nhưng để chương trình tái canh cà phê mang lại hiệu quả thì không chỉ chuyện vốn mà cần giải quyết nhiều vấn đề liên quan. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng đáng quan tâm nhất là công tác quản lý giống. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 80 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cà phê với năng lực đăng ký khoảng 4,6 triệu cây giống/năm, nhưng năng lực sản xuất thực tế chỉ đạt từ 60% - 70% so với đăng ký nên tình trạng nông dân sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém vẫn còn xảy ra.
Một việc quan trọng nữa là xây dựng và chuyển giao quy trình tái canh cà phê phù hợp với điều kiện của từng địa phương chứ không nhất thiết áp dụng cứng nhắc theo quy trình chung.
ĐỨC TRUNG – NAM VIÊN