Chưa bao giờ mối nguy từ các công trình thủy điện (TĐ) vừa và nhỏ lại “phát lộ” nhiều như lúc này tại Tây Nguyên. Chỉ mới có 2 năm mà khu vực này xảy ra 3 sự cố nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản và hoa màu. Giả dụ nếu không xảy ra các sự cố vỡ đập thì đâu có ai nghĩ rằng, các con đập và đường ống TĐ ấy được thi công một cách “ầu ơ” như thế nào.
Sự cố chồng sự cố
Tháng 6-2011, tại công trình TĐ Đạm Bôl (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), chủ đầu tư tự ý thay cống dẫn dòng bê tông bằng ống nhựa. Ống này lại được nối trực tiếp với ống áp lực mà không được giãn cách bằng bể hở điều áp, nên xảy ra sự cố vỡ ống, khiến 2 người chết, nhiều tài sản, hoa màu bị thiệt hại.
Sau đó một thời gian ngắn, vào ngày 22-11-2012, tại công trình TĐ Đăk Mek 3 (xã Đăk Choong, huyện biên giới Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), do Công ty CP TĐ Hồng Phát - Đăk Mek làm chủ đầu tư, khi xe tải 43C-00890 chở đá lên công trình đắp đập đã va vào thành bê tông thượng lưu đập tràn, khiến đập vỡ với chiều dài 60m.
Khi đập bị vỡ, hàng trăm mét khối đất đá đã cuốn theo lái xe là Nguyễn Viết Hùng (29 tuổi, trú xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) xuống vực sâu thiệt mạng. Sự thật được phơi bày khi cơ quan chức năng kết luận Công ty CP TĐ Hồng Phát - Đăk Mek đã thi công đập sai so với hồ sơ thiết kế; khi chưa tích nước, đập này cũng không chịu nổi sức nặng tự thân và đổ vỡ tan tành.
Đến tháng 5-2013, tại công trình TĐ Ea Súp 3 (tỉnh Đắk Lắk) xảy ra những sự cố khiến mối lo về các dự án TĐ ngày càng lớn dần. Được khởi công từ năm 2009 với công suất 6,4 MW, tổng kinh phí khoảng 68 tỷ đồng, TĐ Ea Sup 3 do Công ty TNHH Xây dựng Nhật Hà (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) làm chủ đầu tư.
Ngày 26-5, khi đang vận hành chạy thử thì một mảng tường dài khoảng 50m của bể áp lực bị đổ vỡ. Rất may không có thiệt hại về người. Không chỉ thế, kênh dẫn dòng nằm phía trên bể áp lực, có chiều dài khoảng 2,1km hiện bị rò rỉ nước rất nghiêm trọng. Nhiều đoạn xuất hiện các điểm rò rỉ liên tiếp, nước phun thành dòng, bê tông bị xói lở.
“Đỉnh điểm” của những hiểm họa được nhìn thấy trước này là vụ vỡ đập công trình TĐ Ia Krêl 2 (do Công ty CP Công nghiệp và TĐ Bảo Long - Gia Lai làm chủ đầu tư), nằm trên địa bàn xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai).
Sự cố này đã gây ra cơn “đại hồng thủy” kinh hoàng tại xã Ia Dom vào rạng sáng ngày 12-6. Hàng ngàn mét khối đất, đá cùng với hơn 5 triệu m³ nước đổ về hạ lưu, khiến gần 200ha cây trồng và hoa màu của 122 hộ dân, Công ty Cao su 72 (Binh đoàn 15) bị thiệt hại nặng nề. Nhiều người dân đã phải cố sống, cố chết chạy lên đồi cao, đường lớn hoặc phải leo chót vót lên cây giữa lòng suối chờ lực lượng chức năng tới ứng cứu.
Sau khi cơn lũ quét đi qua, những ngày này, cái đói đã “hiện diện” quanh những nếp nhà sàn của đồng bào Ja Rai các làng Ó, Bi, Mook Đen (xã Ia Dom), bởi lương thực, tài sản, vườn tược của họ đã bị dòng nước lũ cuốn sạch...
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Qua hàng loạt các sự cố sập, nứt, đổ gãy... ở các công trình TĐ vừa và nhỏ ở Tây Nguyên, mới thấy sự “lỏng lẻo” quá mức của các ngành chức năng ở các địa phương trong việc giám sát, quản lý các dự án TĐ.
Sự cố vỡ đập công trình TĐ Đăk Mek 3 (tỉnh Kon Tum) từ ngày 22-11-2012 nhưng đến gần 1 tuần sau, UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum mới nắm bắt được vụ việc. Lúc này, mọi người mới “té ngửa” khi biết trong tay Sở Công thương cũng không có một bản thiết kế, kết quả đánh giá kiểm định của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định nào.
Nực cười là chỉ đến khi xảy ra sự cố, phía chủ đầu tư mới “quẩn”, lục lọi hồ sơ. Và cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum phát hiện ra là Công ty CP TĐ Hồng Phát - Đăk Mek (đơn vị chủ đầu tư) đã làm giả con dấu, và có những dấu hiệu sai phạm từ đơn vị giám sát công trình này.
Tương tự, vụ vỡ đập TĐ Ia Krêl 2 (tỉnh Gia Lai) cũng thể hiện sự quản lý “được chăng hay chớ” của ngành chức năng. Đến thời điểm xảy ra vụ vỡ đập, gây lũ quét kinh hoàng, ông Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai mới lần đầu tiên “mục sở thị” và biết được hiện trạng công trường.
Còn khi liên hệ để rõ hơn những thông tin liên quan đến sự cố và trách nhiệm của các bên, chúng tôi đề nghị ngành chức năng ở tỉnh Gia Lai cung cấp thông tin về đơn vị thiết kế, thi công, giám sát công trình, nhưng không ngành nào, kể cả Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cũng không thể cung cấp những thông tin này.
Ở Đắk Lắk, trong chuyến kiểm tra gần đây, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh này mới phát hiện nhiều công trình TĐ vừa và nhỏ không đảm bảo an toàn hồ đập. Cụ thể, kiểm tra 6 công trình thì có 5 chưa lắp thiết bị quan trắc chống thấm và phương án bảo vệ đập, 4 công trình chưa xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ lưu khi xả hồ chứa, 3 công trình bị rò rỉ nước...
Đối với sự cố vỡ đập TĐ Ia Krêl 2 (Gia Lai), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngày 21-6, Bộ Xây dựng cho biết, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cũng đã có hướng dẫn cụ thể về việc giải quyết sự cố vỡ đập công trình thủy điện Ia Krêl 2.
UBND tỉnh Gia Lai cần sớm yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cắm biển cảnh báo và tổ chức bảo vệ khu vực hiện trường vỡ đập. Chủ đầu tư cần thuê một đơn vị tư vấn đủ năng lực theo quy định phối hợp cùng tư vấn thiết kế để khảo sát, đánh giá hiện trạng của phần đập đất còn lại và kiểm định lại chất lượng các hạng mục đã thi công như đập tràn, tuyến năng lượng, nhà máy…
| |
ĐỨC TRUNG - BÍCH QUYÊN