Vùng “cổng trời” ở Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) với đa sắc cộng đồng anh em Khùa, Mày, Trì, Thổ, Sách… đón tết ấm bên chân mây quấn núi Giăng Màn. Những điệu hát, những nụ cười với bộ đội biên phòng dẫn dắt trong cuộc sống thường ngày được xướng lên bên bếp lửa, quyện chặt tình keo sơn.
Buộc chỉ bên núi Giăng Màn
Cận tết, ngọn Giăng Màn sương phủ. Đó là ngọn núi mà già Hồ Lăng và tổ tiên của già muôn đời tôn kính. Núi Giăng Màn cho người Khùa và các tộc người anh em trong vùng những suy nghĩ, tư duy rất người. Dân bản sống với nhau phải có tình cảm. Bản này với bản kia như buộc nhau bằng sợi chỉ lòng người. Núi này với núi kia buộc với nhau bằng sợi chỉ lòng đất. Cây rừng buộc với nhau bằng đường chỉ xe ra từ gió núi.
Năm nay người Khùa ở Trọng Hóa đón tết ấm lắm bởi lúa rẫy được mùa, khi lòng người dân bản thuận hòa, trời đất hiền từ. Già Hồ Lăng đang chuẩn bị lễ buộc chỉ cổ tay. Người trẻ ở đây vẫn thường gọi là lễ buộc tình. Buộc tình nghĩa trai gái; buộc tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa cha con; buộc tình nghĩa họ hàng, tình nghĩa với cái lửa của bếp núc; buộc tình nghĩa với cỏ cây hoa lá, với cây rừng đã cho thổ sản.
Chén rượu bản địa rót ra trước căn nhà sàn, Hồ Lăng cầm con gà sống cầu khấn Giàng, khấn thần Giăng Màn hùng mạnh. Sau lễ khấn sức khỏe gia đình bản quán, là khấn cho dân bản yên vui, siêng năng lao động, theo lời người tốt. Già Lăng cũng khấn cho cái rừng cái núi ấp ủ, chở che dân bản thoát được thiên tai. Mong cho sức khỏe Giăng Màn được tốt để bảo vệ con ong, rừng cây, cái quả để người bản của già, của bản bên, bản trong, bản dưới có được thu hoạch từ rừng. Khấn trước trời đất xong, già Hồ Lăng vào kêu gọi vợ con đến bên bếp lửa, nói thần lửa chứng kiến, vợ chồng thủy chung, con cái hiếu hạnh. Rồi cha buộc chỉ cổ tay cho con, chồng buộc chỉ cổ tay cho vợ.
Đức hạnh đó của người Khùa giữ mãi truyền đời để mùa cuối năm đưa ra như một tiết lễ dạy vợ dạy chồng, dạy con dạy cái của một cuộc trường tồn lòng dạ con người. Trong mùa lễ hội ấy, tiếng khèn Pi, khèn Khùa, điệu tung tung gia á, điệu khăm mày măn mún… được cất lên bên các sườn đồi. Những câu dân ca Khùa, Mày, Sách xướng lên vút tận núi cao. Những món ăn A Ping, A Doong… được biện bày lễ mật.
Buộc tình tiên tổ
Khi những lễ tiết gia đình đã xong, người Khùa thông minh nghĩ về tổ tiên. Với họ, đường đi của tổ tiên là vô hình và mỗi căn nhà đều có cửa sổ linh thiêng cho những người đã qua đời - gọi là cửa sổ ma. Có người gọi cửa sổ thiêng. Bàn thờ thiêng được giữ gần cửa sổ thiêng. Một thân cây chà cúp, cứng cáp giữa rừng, nhỏ như nửa cổ tay được xin về từ thần rừng, cột chặt vào vách tường. Những người già của bản thổi hồn vào đó các lễ tục cúng bái bản địa, buộc vào đó các sợi chỉ biểu tượng cho kính nhớ ông bà đã qua đời, kính nhớ những người từng mở đất mở đai ở “cổng trời”. Một bài khấn giản dị, mộc mạc từ lời Hồ Lăng: “Trời cao khi tỏ khi mờ/Suối sâu khi trong khi đục/Dạ người Khùa một mực kính tổ tiên”. Vừa khấn, Hồ Lăng vừa quấn chỉ vào thân chi cúp, mỗi vòng quấn già báo đó là “sợi nhớ, sợi thương của người Khùa”.
Đồng bào Khùa cho rằng, những sợi nhớ tổ tiên là cách để người Khùa không quên tông, quên giống. Ý nghĩa của buộc chỉ với tổ tiên còn nhiều điều khám phá, nhưng chắc chắn đó là sự bền chí của người Khùa muốn giữ cái phong tục lề lối nhân bản của mình một cách thông minh và chung thủy. Bởi người Khùa tin rằng, có trước có sau sẽ làm con cháu vững dạ, cái đoàn kết được bồi đắp, lòng người mỗi mùa xuân sẽ thêm được nụ cười như mận Tam Hoa giữa ánh rừng già.
Nghĩa tình keo sơn
Ở vùng “cổng trời”, mỗi mùa lễ buộc chỉ nghĩa tình, người Khùa mời bộ đội biên phòng đồn Ra Ma và Cha Lo đến cùng tham gia. Bởi với họ, bộ đội biên phòng là cái nghĩa cái tình mà người Khùa không bao giờ quên. Già Hồ Lăng nói: “Thời tổ tiên mình chẳng có biên phòng. Nhưng từ thời của bố mẹ mình, đời mình, con cháu mình và mãi mãi sau này có cái biên phòng giúp cho nhiều thứ mà có kể nhiều đêm lửa cũng không thể hết. Nhà mình hư, biên phòng sửa, dân bản không có nhà, biên phòng lo. Cái bụng đau, biên phòng chữa. Con cái cưới, biên phòng đến dự. Biên phòng chu tất lắm. Nghĩa tình thương nhau lắm. Khi khó khăn, bên ướt bộ đội nằm, bên khô nhường cho dân bản. Keo sơn như rứa thì lễ buộc chỉ nghĩa tình phải mời anh em để giữ lời thề một bụng một dạ nghe theo biên phòng”.
Mùa cuối năm, đồn biên phòng Ra Mai, Cha Lo túc trực canh tết cho dân bản vùng biên. Cử cán bộ đến từng nhà, từng bản thăm tết bằng bánh chưng hoặc mớ nếp cùng giỏ mứt ấm. Tất tật đều tự tay anh em tăng gia làm việc. Gửi những món quà nhỏ cho dân bản là gửi vào đó trọn niềm tin ấm cúng. Già Hồ Lăng, Hồ Kết, Hồ Đun đều nói: “Con cá không thể thiếu nước, con chim không thể quên rừng, lòng dạ người Khùa không thể quên cái biên phòng trong bất cứ mùa vui nào. Đồng bào mình nghèo, nhưng cái tình nó lớn, cái nghĩa nó chặt như cây rừng trên núi không gì có thể tách ra”.
Tết qua “cổng trời”, bản làng người Khùa bay đỏ cờ Tổ quốc, đường biên thắm nghĩa thủy chung.
Phong Minh