Tết về, chiêm bái mộ cỏ vua Lê Thánh Tông

Ngày giáp tết, chúng tôi đến Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) viếng mộ vua Lê Thánh Tông và mẹ của vua - Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Trong tiết trời se lạnh và không khí tết đã cận kề, đứng giữa rừng thiêng Lam Kinh, trước mộ cỏ đơn sơ thấy lòng rưng rưng…

vua-le2-4749.jpg
Chiêm bái mộ vua Lê Thánh Tông

Vua Lê Thánh Tông húy là Tư Thành (còn có tên nữa là Hạo), là con trai thứ tư của vua Lê Thái Tông, mẹ là Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Vua Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442). Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Vua “mới sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc vua thông minh, xứng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước… Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, “dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được”.

Clip Chiêm bái lăng mộ vua Lê Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao

Vua Lê Thánh Tông băng hà ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497). Đến ngày mùng 8 tháng 3 cùng năm, quan tài của vua được rước về Lam Kinh; ngày 28 an táng ở Chiêu Lăng (bên tả Vĩnh Lăng, nay thuộc thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân).

Chiêu Lăng được xây dựng theo hướng Nam, nằm sát gò Đình. Trước kia lăng được xây bằng gạch vồ trên đất đắp. Do thời gian, thiên nhiên hủy hoại nên mộ chỉ còn là một gò đất cỏ mọc xanh tươi.

Năm 1998, lăng mộ vua Lê Thánh Tông được tôn tạo. Mộ được xây gạch ốp đá bên ngoài, kích thước gần vuông với chiều dài 4,40m, rộng 4,39m, cao 1,19m. Điều đặc biệt, tuy tôn tạo lại bằng gạch, đá nhưng phía trên mộ vẫn đắp đất cho cỏ mọc. Điều đó khiến mộ vẫn giữ được nét đơn sơ, giản dị như vốn có. Những người đến viếng thăm đều không nghĩ rằng đây là mộ của một trong những vị vua anh minh và lỗi lạc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Cách lăng mộ vua Lê Thánh Tông không xa là mộ mẹ vua - Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Bà là người xã Động Bàng (nay là làng Đồng Phang, xã Định Hòa, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Năm Quang Thuận thứ nhất (1460) bà được tôn làm Hoàng Thái hậu. Năm 1496, sau khi mất, bà được truy tôn là Quang Thục Hoàng Thái hậu.

Lăng Hoàng Thái hậu được đặt theo hướng Đông - Tây, hướng nhìn ra Xà Đầm (Đầm Rắn). Mộ có chiều dài 4,45m, rộng 4,43m, cao 0,95m. Mộ ban đầu được xây bằng gạch vồ và đất đắp, đến năm 1998 trùng tu tôn tạo bằng gạch vồ, mặt ngoài trát xi măng. Cũng như mộ con trai mình, mộ bà giản dị với cỏ mọc phía trên, xung quanh lăng cây cối xanh tươi, tiếng chim hót véo von suốt ngày.

Những hình ảnh lăng mộ vua Lê Thánh Tông:

vua-le1-1781.jpg
vua-le3-6492.jpg
vua-le4-8146.jpg
vua-le5-2218.jpg
vua-le6-6006.jpg

Hình ảnh lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao:

hoang-hau1-1909.jpg
hoang-hau2-4304.jpg
hoang-hau3-4932.jpg
hoang-hau5-805.jpg

Tin cùng chuyên mục