Ngày 2-11, Hội Động vật học Frankfurt - Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình) đã thả 3 cá thể (2 đực, 1 cái) voọc mông trắng về Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Mỗi cá thể được mang một dây đeo cổ có thiết bị thu phát tín hiệu định vị (GPS) tiếp sóng với vệ tinh. Đây là 3 trong số 18 cá thể hiện đang được cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp.
Vân Long đang là nơi có số lượng loài voọc mông trắng sống nhiều nhất trong tự nhiên ở nước ta. Qua theo dõi, từ ngày đầu thành lập năm 2001 đến nay, số lượng voọc mông trắng tại khu bảo tồn đã tăng gần gấp đôi, hiện có khoảng 100 cá thể, chiếm 50% tổng số của loài này ngoài tự nhiên trên thế giới.
Theo điều tra của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) từ năm 2000 đến 2012, voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) là loài linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trên thế giới; thuộc danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp hàng đầu thế giới và được chọn làm biểu tượng Dự án Chương trình bảo tồn linh trưởng Việt Nam của Hội Động vật học Frankfurt, Đức (FZS).
Nghiên cứu ngoại nghiệp và giám sát loài này trên thực địa được FZS thực hiện liên tục trong suốt 15 năm qua. Kết quả cho thấy sự tiêu giảm số lượng loài rất mạnh. Hiện nay, tổng số ước tính cá thể của loài này còn ở trong tự nhiên khoảng 200 cá thể, được phân bố rải rác, bị chia cắt thành 14 - 15 tiểu quần thể, trong đó 60% số đàn chỉ còn dưới 20 cá thể.
Từ 6 cá thể voọc mông trắng tịch thu từ những vụ buôn bán và nuôi nhốt trái phép trong những năm 1993 và 1995, đến nay, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp đã có 18 cá thể được sinh sản và 16 cá thể đã sinh trưởng tốt. Những cá thể được sinh trưởng thành công tại đây sẽ được thả về tự nhiên.
Đ.Q.T.H.