Thách thức an ninh mạng tại Đông Nam Á

Tại Đông Nam Á hiện đang có hơn 400 triệu người dùng internet. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số trong khu vực, được dự báo sẽ đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, đi cùng đó là mối đe dọa tấn công mạng cũng gia tăng.

Tấn công mạng gia tăng tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: RAPPLER
Tấn công mạng gia tăng tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: RAPPLER

Cấu trúc an ninh mạng bị phân tán

Theo một báo cáo gần đây của Cyfirma, công ty an ninh mạng có trụ sở tại Singapore, tội phạm mạng tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 82%. Các cuộc tấn công mạng chủ yếu nhắm vào Singapore; tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Trước đó, báo cáo “Đánh giá mối đe dọa mạng ASEAN 2021” của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế nêu ra các mối đe dọa an ninh mạng chính mà khu vực ASEAN phải đối mặt như: gian lận email doanh nghiệp, lừa đảo qua mạng, ransomware (mã độc tống tiền), đánh cắp dữ liệu thương mại điện tử, phần mềm phạm tội, gian lận mạng và khai thác tiền điện tử.

Theo trang mạng thepaper.cn, trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng diễn ra ngày một nhiều, khả năng chuẩn bị, ứng phó và hồi phục sau các cuộc tấn công mạng tại ASEAN vẫn tương đối thấp. Dù việc tăng cường an ninh mạng ở từng quốc gia Đông Nam Á và cả khu vực đã tiến triển đáng kể, việc thiếu các tiêu chuẩn an ninh mạng phối hợp vẫn là một trở ngại.

Hiện cấu trúc an ninh mạng trong khu vực ASEAN vẫn còn phân tán. Việc thiếu chiến lược quản trị an ninh mạng toàn diện đang đặt ra thách thức lớn cho ASEAN. Các nước thành viên ASEAN vốn bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về kinh tế và công nghệ số, chịu sự ràng buộc về các quy định khác nhau, dẫn đến lựa chọn ưu tiên khác nhau trong xử lý vấn đề an ninh mạng. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin kịp thời về dữ liệu nhạy cảm phải đối mặt với những thách thức lớn bởi các nước ASEAN ưu tiên cân nhắc an ninh và chủ quyền quốc gia, khả năng tương tác chắc chắn sẽ bị hạn chế.

Khoảng cách số

Sự chênh lệch về trình độ kỹ thuật số trong ASEAN đã cản trở khả năng hành động chung đối phó với các mối đe dọa an ninh dữ liệu. Hiện giữa các nước ASEAN tồn tại khoảng cách lớn về tài nguyên internet với tỷ lệ phổ cập internet không đồng đều, từ 26% ở Lào đến 95% ở Brunei. Ở phương diện nội bộ quốc gia, các hộ gia đình và cộng đồng nghèo hoặc ở vùng sâu vùng xa có cơ sở hạ tầng mạng tương đối yếu. Ngoài ra, ở một số nước ASEAN, internet băng rộng cố định còn kém phát triển, một phần do thiếu cơ sở hạ tầng như điện. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế, dù 90% dân số ở Đông Nam Á được sử dụng điện nhưng vẫn còn 65 triệu người gặp khó khăn trong việc tiếp cận điện.

Các nước kém phát triển tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề mạng cơ bản, do đó giảm thiểu nhu cầu và cân nhắc về bảo vệ an ninh mạng. Số lượng máy chủ internet an toàn/1 triệu người ở các nước ASEAN đang tăng lên qua từng năm, nhưng con số này chênh lệch rất lớn giữa các quốc gia. Năm 2020, Singapore có 128.378 máy chủ/1 triệu dân trong khi Myanmar chỉ có 14 máy chủ/1 triệu dân.

Mức độ phát triển kỹ thuật số giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng có sự khác biệt rõ rệt. Khoảng cách về trình độ an ninh mạng gần như chia các nước ASEAN thành 3 kiểu: Singapore và Malaysia là nhóm có hệ thống hoàn thiện về quản lý an ninh mạng, còn lại là nhóm chưa hoàn thiện về hệ thống và nhóm lạc hậu về mặt hệ thống…

Tin cùng chuyên mục