Trong vòng quay phong tỏa
EU chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng nhập cư thì nay lại đến cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Covid-19 phơi bày tất cả yếu kém có hệ thống của châu Âu và về cơ bản, châu Âu đã tê liệt trong những tháng đầu năm 2020. Đến thời điểm đầu năm 2021, châu Âu vẫn đang ngụp lặn trong vòng quay của phong tỏa và tái phong tỏa vì đại dịch Covid-19. Đến nay, châu Âu vẫn là khu vực có số người tử vong vì Covid-19 cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ Latinh.
Năm 2020 là một năm “bỏ đi” toàn diện với châu Âu về mặt kinh tế. Các số liệu kinh tế đang ở thời điểm tệ hại nhất trong lịch sử. Các cường quốc kinh tế châu Âu như Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha và kể cả nước Đức… đều tăng trưởng âm trong năm 2020, dao động từ -7% đến -12%. Các nước đều ồ ạt tung tiền, vay nợ để vượt qua sóng gió. Mọi kỷ luật ngân sách đều không còn giá trị khi nợ công nhiều nước vượt quá 100% GDP và thâm hụt ngân sách cao nhất trong lịch sử. Đầu tháng 7-2020, lãnh đạo 27 nước EU mất 4 đêm họp liên tiếp tại Brussels với hơn 92 giờ đàm phán căng thẳng mới đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử là tung ra gói phục hồi kinh tế 750 tỷ EUR. Việc lần đầu tiên toàn bộ 27 nước EU vay nợ chung - trả nợ chung đồng nghĩa với việc 27 nước ký vào một hợp đồng chia sẻ chung vận mệnh trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập niên. Đây là một cam kết chính trị chưa từng có trong nhiều thập niên phát triển của EU, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm nước: Tây - Bắc Âu, Đông Âu, Nam Âu. Vì việc thông qua gói kích cầu vay nợ xem ra dễ dàng hơn việc thống nhất trong cách phân bổ và chi tiêu, dự kiến sẽ khó khăn hơn nhiều khi áp dụng tiêu chuẩn kép liên quan đến minh bạch chính trị.
Tái định hình vị thế toàn cầu
Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) sẽ khởi động vào năm 2021 sau 4 năm tranh cãi. Hàng loạt vấn đề tiếp tục được thảo luận và tìm đồng thuận. Hậu Brexit cũng là lúc EU nỗ lực giải quyết mâu thuẫn nội khối về hàng loạt vấn đề, trong đó có việc tái định hình vị thế trên toàn cầu, quan hệ với đồng minh Mỹ và ứng phó trước những thách thức từ Trung Quốc.
Thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc sau 7 năm đàm phán đầy khó khăn là một thay đổi lớn trong nhận thức của châu Âu về mặt địa chính trị. Theo tờ Financial Times, thỏa thuận trên đặt EU trước nguy cơ làm “mích lòng” chính quyền Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden - người đã nói nhiều về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương để gia tăng sức ép lên Trung Quốc. Tuy nhiên, Ủy viên của EU về thương mại, ông Valdis Dombrovskis, cho rằng thỏa thuận giúp mang lại cho EU vị thế bình đẳng với Mỹ trong quan hệ đầu tư với Trung Quốc vì Mỹ đã giành quyền tiếp cận lớn hơn với thị trường Trung Quốc nhờ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.
Bên cạnh đó, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở một số quốc gia thành viên, trong đó có cả Đức và Hà Lan - hai quốc gia có ảnh hưởng lớn ở Brussels - cũng sẽ được quan tâm. Cả hai quốc gia đều có phong trào dân túy mạnh mẽ. AfD là phe đối lập chính thức ở Đức trong khi ở Hà Lan, Geert Wilders - một người thường được gọi là Trump của Hà Lan - sẽ bảo vệ vị trí lãnh đạo của đảng đối lập lớn nhất.
Năm 2021, EU được dự đoán sẽ tiếp tục khó khăn cả về đối nội và đối ngoại. Giải quyết các vấn đề nội bộ, xử lý quan hệ đối ngoại và chuẩn bị cho những “cuộc chia tay” sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự của EU năm 2021. Các nhà lãnh đạo sẽ phải tìm hướng đi phù hợp cũng như hợp lực đồng lòng để đưa EU vượt qua những thách thức này.