Thách thức thị trường nông sản

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản đang có những biến động trái chiều khiến những nhà sản xuất, xuất khẩu vừa mừng vừa lo lắng. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, gỗ... đều tăng. Mặt hàng cà phê xuất khẩu đã tăng và vượt cả gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,8 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng cả về lượng (7,8%) và giá trị (3%), do hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức và Mỹ vẫn duy trì được sức mua. Với mặt hàng chủ lực khác là gạo, mặc dù gặp phải sức cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước, nhưng mặt hàng gạo đã mở rộng ra được nhiều thị trường mới.

Sự thách thức của thị trường cạnh tranh ngày càng thể hiện rõ, so cùng kỳ năm trước mặt hàng gạo giảm 9,5% về lượng và 14,2% về giá trị và tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm. Sức ép cạnh tranh của các nước khác ngày càng khốc liệt. Sau Thái Lan, Mỹ, và sắp tới là Ấn Độ có thể vượt qua Thái Lan và Việt Nam để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, sản xuất lúa gạo của Bangladesh cũng đã lên tới mức kỷ lục 35 triệu tấn, đe dọa các thị trường truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm nay, thủy sản - một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang các nước thuộc khối châu Âu (EU) vẫn gặp nhiều khó khăn, không chỉ do tác động của khủng hoảng nợ công, mà còn do những rào cản phi thuế quan của các thị trường này.

Khó khăn của DN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vừa là chủ quan, vừa do khách quan (vốn và thị trường) cộng dồn khiến khó khăn tăng thêm. Trước tình hình xuất khẩu cá tra có chiều hướng giảm, Bộ NN-PTNT có cuộc họp bàn để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ và sản xuất cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Còn các mặt hàng khác như cao su, điều, tiêu, gỗ, khó khăn chính là đầu ra của sản phẩm.

Bên cạnh việc giữ gìn và “thâm canh” xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản ở các thị trường truyền thống, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực, các quốc gia mới ở các châu lục là bài toán nan giải nhưng không thể không làm. Bởi đây là những thị trường có nhu cầu và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản chưa thật sự gay gắt như các nước nhập khẩu truyền thống.

Bên cạnh việc đánh giá đúng nhu cầu, khả năng tiêu thụ, khả năng thanh toán, hàng rào thuế quan... đặt ra, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần có bước đi mạnh mẽ nhưng thận trọng. Chính vì vậy, công tác tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại ngày càng có vai trò quan trọng. Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản khi lợi thế cạnh tranh về giá không còn được đề cao, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, hướng mạnh vào phát triển sản phẩm sạch, giá trị tăng cao, có sức cạnh tranh và vượt được rào cản thương mại của các nước nhập khẩu.

Mặt khác, việc xuất khẩu thô các mặt hàng nông sản giá trị gia tăng thấp buộc các ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam phải từng bước chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh. Chúng ta không thể mãi cạnh tranh với các nước về giá gạo xuất khẩu, về giá mủ cao su, hạt tiêu, hạt điều xuất khẩu dạng xá, về cà phê hạt và hàng chục mặt hàng khác dạng thô.

Trong khi các nhà máy sản xuất vỏ ô tô như Casumina, Bridgestone, Michelin… đang đưa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam ra thị trường, tạo ra giá trị sản phẩm cao thì nhiều DN lại chỉ lo xuất khẩu mủ cao su, khiến cho thị trường nguyên liệu tăng giá. Hay như hạt điều, cà phê, qua nhiều năm sản xuất, vẫn không khẳng định được thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế, mà chủ yếu chỉ xuất thô… là điều cần xem xét, tiến tới loại trừ.

Cơ hội phát triển kinh tế không chỉ tạo ra nguồn nguyên liệu, mà cần cả giá trị sản phẩm được tạo ra từ nguồn nguyên liệu đó. Sự chuyển biến trong nhận thức về hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản nội địa thời gian qua, là rất chậm và thiếu đầu tư. Ngành nông nghiệp phải tạo bước phát triển mang tính chiến lược, căn cơ lâu dài, đẩy mạnh về sản xuất nguyên liệu và cả lĩnh vực chế biến. Sự thách thức về cạnh tranh trong tương lai không chỉ là sản lượng, giá bán, mà là chất lượng, giá trị thương phẩm mà ngành nông nghiệp tạo ra. 

Thăng Long

Tin cùng chuyên mục