Theo Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) chưa bao giờ là một thể đồng nhất như những nhà sáng lập khối này mong muốn. Những đụng độ về chính sách gần đây, đặc biệt trong vấn đề nhập cư, dường như đang chia EU thành 3 tiểu khối Bắc, Nam và Đông rất rõ rệt.
Hai nhà lãnh đạo cứng rắn là Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Chủ tịch đảng Pháp luật và công lý (PiS) cầm quyền của Ba Lan Jaroslaw Kaczynski không giấu giếm nỗ lực tạo ra một trục ở phía Đông, mà từ đó bắt đầu văn hóa phản cách mạng trong EU.
Một tiểu khối khác thì xoay xung quanh Đức bao gồm nhóm Benelux (gồm 3 quốc gia Bỉ, Hà Lan và Luxembourg), các quốc gia Bắc Âu và vùng Baltic. Khối này được thống nhất bởi các chính sách tương tự giữa các quốc gia về kinh tế với ý tưởng chung về quản lý ngân sách chặt chẽ hơn. Và gần đây là sự khoan dung đối với người nhập cư.
Trong khi đó, khối ở phía Nam được xác định bởi vấn đề kinh tế với mong muốn chung được nới lỏng, bớt bị “đè” trong vấn đề nợ nần và giảm thâm hụt ngân sách quốc gia theo quy định của EU. Hiện các nỗ lực biến miền Nam châu Âu thành một thực thể chính trị đang được xúc tiến. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã mời các nhà lãnh đạo của 6 quốc gia Nam Âu gồm Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus và Malta tham dự một hội nghị tại Athens dự kiến diễn ra vào hôm nay, ngày 9-9. Với tình hình kinh tế bết bát như hiện nay, Thủ tướng Hy Lạp có thể không phải là nhân vật trung tâm đủ mạnh để thúc đẩy hình thành một liên minh. Tuy nhiên, với sự có mặt của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi, đây có thể sẽ là những người phát ngôn chính thức cho nhóm.
Theo giới quan sát, những nhà sáng lập EU với ý chí mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ thống nhất khối như một quốc gia chung với sự hợp nhất, hòa đồng từ chính trị, kinh tế đến văn hóa. Tuy nhiên, trải qua quá trình phát triển trong nhiều thập kỷ qua, người ta nhận ra mong muốn đó không thực sự dễ dàng thực hiện. Giờ đây, với việc đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả, các quốc gia có lợi ích tương đồng đang xích lại tạo thành những nhóm riêng. Đơn cử như Thủ tướng Orban và nhà lãnh đạo Kaczynski, họ là những người chống đối kịch liệt chính sách tiếp nhận người nhập cư của EU. Vì vậy, 2 nhà lãnh đạo này luôn xem việc Anh rời bỏ EU (Brexit) là một cơ hội tuyệt vời và có thể nắm bắt. Và đây thực sự là một mối lo cho sự thống nhất của EU. Trong khi đó, những nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha luôn cảm thấy ngộp thở với những o ép thắt lưng buộc bụng từ phía Brussels đưa ra. Nỗi lo Hy Lạp rời khỏi EU (Grexit) tạm lắng nhưng chưa biết lúc nào có thể sẽ lại bùng lên nếu như họ phải chịu cảnh khắc khổ quá sức.
Nếu việc phân chia Bắc - Nam trong EU theo các giá trị truyền thống khác nhau, phong cách sống có thể được xem là hợp lý nhưng sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc thực sự là một thách thức cho EU. Những giá trị của châu Âu về tự do, dân chủ, bình đẳng trong kinh tế, xã hội được xây dựng vun đắp lâu nay có thể sẽ trở nên vô nghĩa khi các thành viên trong liên minh này không còn nhìn về một hướng.
MINH CHÂU