Từ năm 1995-2013, có 70 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam đã diễn ra và trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục gia tăng. Do đó, việc đối phó với loại điều tra này sẽ là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Báo SGGP trích đăng bài nghiên cứu của Giáo sư Dukgeun Ahn, Trường nghiên cứu Quốc tế - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc phân tích sâu về nội dung này nhằm giúp doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý có những kinh nghiệm để điều chỉnh, ứng phó.
Những khả năng bị đánh thuế kép
So với vụ kiện chống trợ cấp đầu tiên đối với Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho biết, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể để phù hợp với công cuộc hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, để công bằng cho các doanh nghiệp nội địa, nước nhập khẩu cần phải có cuộc điều tra để xác định liệu có những ích “cá biệt” dành cho một doanh nghiệp, ngành công nghiệp hay nhóm ngành xác định hay không.
Nếu có những khoản lợi ích nằm trong danh mục chống trợ cấp thì doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế chống trợ cấp. Thời điểm áp dụng bắt đầu từ ngày 11-1-2007 (thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, DOC sẽ không áp thuế chống trợ cấp đối với những doanh nghiệp nhận trợ cấp trước mốc thời gian này).
Trong trường hợp sử dụng đất, các doanh nghiệp được nhà nước ưu tiên các khoản cho thuê đất hoặc miễn tiền thuê đất đối với các công ty đầu tư vào các chương trình trọng điểm, các chính sách cho thuê đất này cũng được xem là một chương trình trợ cấp lớn. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng được xem là các ưu đãi về thuế.
Một dạng chương trình trợ cấp khác, đó là miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu thô, ưu đãi này cũng dễ bị xếp vào các khoản trợ cấp xuất khẩu, nên phần thuế chống trợ cấp đánh vào số tiền được miễn giảm lúc nhập khẩu. Một lý do nữa, Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ sẽ gia tăng áp lực lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mà Việt Nam và Trung Quốc nằm trong danh mục các nước có nền kinh tế phi thị trường, do đó các biện pháp chống trợ cấp trong thời gian tới sẽ tăng lên.
Xây dựng cơ chế giám sát
Việc xây dựng hệ thống giám sát rất quan trọng. Đơn cử như việc theo dõi các biện pháp chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, thông qua đó biết được những loại chương trình trợ cấp nào đang là mục tiêu của các vụ điều tra chống trợ cấp để ứng phó trong quá trình xuất khẩu. Về phía nhà nước cũng cần tìm hiểu kỹ những chương trình trợ cấp cho các doanh nghiệp để tránh tình trạng “cốc mò cò xơi”.
Việc chỉ định một viện nghiên cứu hay một cơ quan nhà nước giám sát các hành vi điều tra chống trợ cấp của các nước khác là rất cần thiết trong việc cung cấp thông tin cho các bộ cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Như ở Hàn Quốc có Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, hiệp hội này có nhiệm vụ cung cấp thông tin về các biện pháp Chống bán phá giá và Chống trợ cấp tới các công ty thành viên, và tổ chức này được tài trợ bởi các công ty xuất khẩu.
Ngoài ra, cần phải xây dựng cơ quan chuyên trách có năng lực xử lý các vấn đề trợ cấp của WTO. Như trong trường hợp của Hàn Quốc, Bộ Tư pháp đã thành lập một Ủy ban tư vấn đặc biệt. Ở đây, các luật sư với các học giả có chức năng đưa ra các ý kiến tư vấn liên quan đến pháp luật thương mại bao gồm cả vấn đề trợ cấp.
Sau đó, để mở rộng hơn, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại đã thành lập Phòng luật thương mại, để từ đó đào tạo một đội ngũ luật sư, các chuyên gia về luật thương mại để xem xét các vấn đề pháp lý liên quan đến hiệp định WTO. Ngoài ra, các cơ quan chuyên trách nên tham gia tích cực trong các tranh chấp trợ cấp tại WTO với tư cách là bên thứ ba, đây cũng là cách tốt để nâng cao chuyên môn về vấn đề này.
Khi các biện pháp chống trợ cấp được đưa ra nhằm vào các hàng xuất khẩu của Việt Nam, việc chủ động tham gia tích cực vào vụ điều tra rất quan trọng. Thông thường sự thiếu hợp tác của doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước liên quan đã trở thành lý do để cơ quan điều tra sử dụng các thông tin sẵn có bất lợi, dẫn đến mức áp thuế chống trợ cấp rất cao đối với mặt hàng xuất khẩu bị điều tra. Vì vậy, các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm hơn để đối phó với cuộc điều tra chống trợ cấp nhằm giảm bớt thiệt hại đối với các ngành sản xuất trong nước.
Hơn nữa, các điều khoản chống trợ cấp của Hoa Kỳ có thể được thay đổi do các quyết định của tòa án, nên các công ty bị điều tra cần đưa ra các lập luận rõ ràng để phản đối các vụ chống trợ cấp đối với các nước thực sự là nền kinh tế phi thị trường và phản đối phương pháp tính thuế chống trợ cấp nếu doanh nghiệp cảm thấy không tương xứng. Phải theo sát như vậy mới đảm bảo quyền được kháng cáo và quyền được bồi thường hợp pháp trong trường hợp chống thuế trợ cấp bị áp dụng sai.
Mặt khác, để nâng cao năng lực trong các vụ điều tra chống trợ cấp, điều cần thiết là tổ chức một nhóm hoặc một bộ phận pháp lý để có thể xử lý tất cả các vụ việc có liên quan đến chống trợ cấp và đảm bảo tham gia trong các vụ việc chống trợ cấp với vai trò hỗ trợ hoặc đồng tư vấn trong trường hợp không phải là tư vấn chính hoặc chỉ đạo trong các vụ việc chống trợ cấp.
Giáo sư Dukgeun Ahn
Trường nghiên cứu Quốc tế - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc.
QUANG KHOA (ghi)